Trả lời nhiều vấn đề bức xúc của cử tri huyện Cái Bè
Ngày 9-1, Tổ đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang đơn vị bầu cử số 1 và đại biểu HĐND huyện Cái Bè gồm các đại biểu: Nguyễn Thị Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Út, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cái Bè; Lê Minh Phượng, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cái Bè đã có buổi tiếp xúc cử tri tại hai xã Hòa Hưng và Tân Thanh, huyện Cái Bè.
Tổ đại biểu HĐND tỉnh, huyện tiếp xúc cử tri tại xã Hòa Hưng. |
Tại mỗi nơi tiếp xúc, cử tri hai xã được đại biểu HĐND tỉnh, huyện báo cáo kết quả nội dung kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh và kỳ họp thứ 6 HĐND huyện. Theo đó, kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh, khóa IX được tổ chức từ ngày 5 đến ngày 8-12-2017.
Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh đã xem xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của Thường trực, các ban HĐND; xem xét, đánh giá các báo cáo của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017; xem xét, cho ý kiến thông qua 30 Nghị quyết thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh...
Cử tri xã Hòa Hưng đóng góp ý kiến. |
Cử tri hai xã bày tỏ niềm vui mừng trước những kết quả đạt được của các kỳ họp, đồng thời bày tỏ nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề như: Chế độ bảo hiểm cho cán bộ, công an viên, ấp đội hiện nay còn hạn chế; tình hình BOT Cai Lậy đến nay vẫn chưa được giải quyết; tình hình tội phạm ma túy hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp...
Cử tri xã Hòa Hưng thì quan tâm đến tình trạng dạy thêm, học thêm hiện nay vẫn còn tràn lan, khó kiểm soát. Còn cử tri xã Tân Thanh thì bày tỏ quan ngại trước tình trạng dùng xung điện đánh thủy, hải sản trên sông Cái Cối; cầu Bà Rớ trên địa bàn xã quá hẹp khiến người dân đi lại gặp nhiều khó khăn; ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; tai nạn giao thông hiện nay còn diễn biến phức tạp...
Cử tri xã Tân Thanh nêu ý kiến. |
Về vấn đề cử tri quan tâm vì sao BOT Cai Lậy đến nay vẫn chưa được giải quyết, đại biểu Nguyễn Thị Sáng cho biết đây là vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Theo thông tin mới nhất cho thấy Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa trình phương án cho Thủ tướng để giải quyết. Về gốc độ địa phương, Tiền Giang đã tham gia vào việc giữ gìn an ninh, trật tự tại trạm BOT. Hiện tại, vấn đề BOT vẫn đang chờ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về chế độ chính sách cho công an viên, đại biểu Nguyễn Thị Sáng cho biết, HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết hỗ trợ chế độ cho lực lượng công an viên khi làm nhiệm vu, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Còn về lực lượng ấp đội, mặc dù thời gian qua, nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. HĐND tỉnh sẽ ghi nhận và có ý kiến với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để có chính sách hỗ trợ đối tượng này trong thời gian tới.
Theo thông tư 17 về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT cho thấy dạy thêm, học thêm được xem là nhu cầu của xã hội, tuy nhiên hoạt động này cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật để tránh tình trạng biến tướng dạy thêm, học thêm tràn lan.
Thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định hướng dẫn dạy thêm, học thêm. Theo đó, chỉ có những cơ sở được cấp phép dạy thêm được thẩm định đầy đủ về các trang thiết bị cần thiết thì mới được dạy thêm, học thêm. Mọi hình thức dạy thêm, học thêm trái phép nếu bị phát hiện sẽ xử lý theo quy định.
Hiện nay, tình trạng dùng xung điện để đánh bắt cá khiến người dân vô cùng bức xúc. Đại biểu Trần Văn Út cho biết, thời gian qua, ngành chức năng đã thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng này, thế nhưng chỉ là dừng ở mức độ nhắc nhở bởi cuộc sống của những người dân làm nghề này hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, các địa phương sẽ quyết liệt hơn nữa , đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có biện pháp xử lý để hạn chế tình trạng dùng xung điện đánh bắt cá.
Các thắc mắc còn lại của cử tri đã được lãnh đạo các địa phương trả lời một cách cặn kẽ và tận tình. Đối với những vấn đề lớn, Đại biểu HĐND tỉnh, huyện sẽ ghi nhận các ý kiến của cử tri để báo cáo trong kỳ họp sắp tới.
ĐỖ PHI
.