Thứ Hai, 12/02/2018, 15:36 (GMT+7)
.

Sẻ chia với người lao động nghèo lo tết

Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đang cận kề. Khi mọi người đang tất bật mua sắm Tết thì vẫn còn đâu đó những người lao động nghèo miệt mài kiếm tiền trang trải tết. Gánh nặng về một cái tết tươm tất cho gia đình khiến họ càng thêm vất vả.

Bà Ba vẫn bán chè để kiếm thêm thu nhập trong những ngày giáp tết.
Bà Ba vẫn bán chè để kiếm thêm thu nhập trong những ngày giáp tết.

Tết đến. Tiết trời càng se lạnh nhưng cũng không thể làm cho không khí chuẩn bị tết của người dân kém phần náo nhiệt. Trong sự chộn rộn mua sắm tết thì xe chè của bà Ba (ở đầu đường Lê Lợi, gần chợ Mỹ Tho) cũng nườm nượp người mua. Ở tuổi 87 và có thâm niên 70 năm bán chè, bà Ba luôn được giới sành ăn chè ở TP. Mỹ Tho tìm đến bởi chè của bà rất ngon và có hương vị đặc trưng.

Nghề bán chè vất vả 70 năm qua vẫn không mang đến cho bà Ba một cuộc sống sung túc mà vẫn nghèo khó. Đến nay, tuổi đã cao nhưng chưa bao giờ bà Ba vắng mặt ở bất kỳ buổi chợ nào. Bởi bà phải “chạy chợ”, kiếm tiền lo cho từng bữa ăn, thuốc men hằng ngày.

Vào thời điểm giáp tết này cũng vậy, bà Ba vẫn miệt mài bán từng chén chè, bịch chè cho khách. Khi được hỏi sao tết đến rồi mà không nghỉ bán, bà Ba cho biết: “Tết bán được nhiều chè lắm! Ráng bán để có thêm chút đỉnh tiền lo tết, chứ nghỉ bán thì lấy tiền đâu ăn tết”. Bà Ba hy vọng, việc bán được nhiều chè trong những ngày giáp tết sẽ mang lại cho bà khoản tiền lời kha khá, để mua vài bộ quần áo mới, lì xì con cháu và trang hoàng lại nhà cửa đón tết.

Quanh năm làm lụng vất vả nhưng khi nhắc đến tết thì tâm trạng của nhóm công nhân làm nghề bốc vác tại khu vực các vựa kinh doanh rau, củ, quả ở phường 2 (TP. Mỹ Tho) chẳng mấy vui. “Nghe tết là rầu!” - anh Tuấn, một công nhân trong nhóm đã thốt lên khi nhắc đến tết. Bởi theo anh Tuấn, làm nghề bốc vác thu nhập chẳng có bao nhiêu mà tết thì cần phải có nhiều tiền để sắm sửa.

“Đối với anh nào chưa vợ thì cũng cố gắng tích góp tiền để những ngày cuối năm mua cho cha mẹ già một ít quà vặt; lì xì em út, mấy đứa cháu và lai rai cùng bạn bè. Nếu anh nào có vợ con thì mua thêm ít bánh mứt, mấy bộ quần áo mới cho con cái trước khi về quê. Xài tết tiết kiệm lắm cũng tốn vài ba triệu đồng nên anh em về quê ăn tết với gia đình chỉ được dăm bảy ngày là phải lên đây tiếp tục kiếm sống” - anh Tuấn nhẩm tính.  

Còn chị Lê Thanh Mai (hiện sống ở phường 9, TP. Mỹ Tho) chỉ mong những ngày cận tết sẽ có nhiều người thuê quét, dọn nhà cửa, để có tiền về quê lo tết cho gia đình. Chị Mai quê ở xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông), chồng mất sớm, chị gửi con cho mẹ già nuôi, một mình lên TP. Mỹ Tho kiếm sống bằng nghề quét dọn nhà cửa. Kể từ ngày chồng mất, chị Mai không cho mình nghỉ ngơi. Bởi chị cần phải kiếm tiền để nuôi mẹ già và đứa con thơ.

“Tết năm nào cũng vậy, về quê chỉ có chút ít bánh mứt. Niềm vui lớn là mấy mẹ con, bà cháu được quây quần bên nhau uống tách trà, ăn miếng bánh. Hy vọng sang năm mới kinh tế khá hơn thì sẽ có cái tết đầm ấm hơn” - chị Mai nói mà như tự an ủi bản thân.   

Riêng đối với anh Lê Văn Quý (45 tuổi) thì tết dường như là điều gì đó còn quá xa xôi. Bởi hơn 10 năm qua, kể từ ngày rời quê hương Quảng Nam vào TP. Mỹ Tho mưu sinh, anh vẫn chưa một lần về quê đón tết cùng gia đình, vợ con. Anh cho biết, tính đến nay, cuộc mưu sinh của anh đã trải qua 4 tỉnh, thành. Đầu tiên, anh chọn tỉnh Bình Phước để kiếm sống, rồi đến Bình Dương làm công nhân.

Sau đó, anh lại tìm đến Sài Gòn bán vé số và hiện đang kiếm sống ở TP. Mỹ Tho bằng nghề bán bánh mì. Mỗi ngày, trừ hết chi phí, anh Quý kiếm được khoảng 150.000 đồng. Hằng tháng, anh phải tiết kiệm chi tiêu, ăn uống tằn tiện để dành dụm chút ít tiền gửi về quê phụ vợ nuôi con.

Năm nay, lại thêm một cái tết anh Quý lỗi hẹn cùng vợ con. “Tôi rất nhớ quê, nhớ vợ con. Nhưng vì tiền kiếm được không nhiều mà vé tàu xe tết lại đắt nên đành phải ở lại TP. Mỹ Tho đón tết xa quê, để có chút ít gửi về quê cho vợ con có tết” - anh Quý ngậm ngùi chia sẻ. 

Những ngày cuối năm thật khó để kể hết nỗi cơ cực của người lao động nghèo. Tuy cuộc sống có nghèo khó nhưng nghị lực vươn lên của họ rất mãnh liệt. Những ngày Tết Nguyên đán đã gần kề nhưng họ vẫn nỗ lực bươn chải mưu sinh, với mong ước kiếm thêm chút ít tiền cho cái Tết đầy đủ hơn. Tin rằng, với sự quan tâm chăm lo của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và sự cố gắng của bản thân, những người lao động nghèo sẽ có một cái tết an vui, ấm áp.

ĐỖ PHI

.
.
Liên kết hữu ích
.