"Tuyến đường văn hóa" và sự gắn kết cộng đồng
Sau 4 năm phát động, mô hình “Tuyến đường văn hóa” ở huyện Cai Lậy đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cảnh quan môi trường, hình thành nếp ứng xử văn hóa, văn minh và góp phần bảo đảm an ninh trật tự.
Tuyến đường văn hóa ấp Mỹ Phú (xã Mỹ Long). |
Đến ấp Mỹ Phú (xã Mỹ Long), chúng tôi dễ dàng cảm nhận sự thay đổi trên tuyến đường giao thông liên ấp. Năm 2012, Chi bộ và Ban Chủ nhiệm ấp văn hóa Mỹ Phú vận động mở rộng tuyến đường, người dân đã đồng tình đóng góp tiền, ngày công và hiến gần 5.000 m2 đất để công trình sớm hoàn thành.
Tinh thần đoàn kết ấy tiếp tục phát huy, khi năm 2017, Ban Chủ nhiệm ấp văn hóa Mỹ Phú phát động xây dựng “Tuyến đường văn hóa” với chiều dài 1,2 km.
Định kỳ hằng tháng, cán bộ, đảng viên, hội viên Chi hội Cựu chiến binh và các hộ dân sinh sống cặp tuyến đường tham gia dọn vệ sinh, chặt mé cây xanh che khuất tầm nhìn, cắt tỉa hàng rào cây xanh, trồng và chăm sóc hoa kiểng, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Danh hiệu “Tuyến đường văn hóa” này đã được công nhận vào đầu tháng 12-2017, qua đó càng khích lệ cộng đồng người dân chung tay giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.
Sau khi ra mắt, “Tuyến đường văn hóa” ấp Mỹ Phú do Chi hội Cựu chiến binh đảm nhận việc quản lý, chỉnh trang, nâng cấp.
Ông Võ Văn Hoàng, hội viên Chi hội Cựu chiến binh ấp Mỹ Phú cho biết: “Sinh sống cặp tuyến đường này, tôi và bà con đều phấn khởi khi giao thông ngày một thuận lợi.
Từ khi con đường được trồng hoa đã thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường, giảm hẳn tình trạng vứt rác bừa bãi. Ai cũng muốn quê mình sạch, đẹp...”.
Cùng với tuyến đường liên ấp Mỹ Phú (xã Mỹ Long), tuyến đường Ông Bảo - Bà Kén (liên ấp 3 và ấp 4) cũng được công nhận “Tuyến đường văn hóa” đầu tiên của xã Long Trung.
Có dịp đi qua tuyến đường này, nhiều người không khỏi trầm trồ và dừng chân ghé lại bởi khung cảnh ngập tràn các sắc hoa sao nhái, chiều tím, mười giờ…
Từ vài hộ dân nòng cốt, những hàng cây xanh, hoa kiểng được nối dài trên tuyến đường qua bàn tay chăm sóc của người dân sống cặp tuyến đường.
Ông Thái Phương Điền (ấp 4, xã Long Trung) cho biết: “Mỗi ngày chỉ bỏ ra khoảng nửa tiếng để làm đẹp cảnh quan trước nhà, vừa đẹp khu dân cư, cũng là cách thư giãn, vận động nhẹ nhàng. Danh hiệu “Tuyến đường văn hóa” là niềm vui chung của bà con trong khu vực và chúng tôi sẽ chung sức giữ vững danh hiệu này”.
Phát động từ năm 2013, mô hình “Tuyến đường văn hóa” nhanh chóng được người dân huyện Cai Lậy hưởng ứng, qua việc chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chỉnh trang cảnh quan môi trường, làm mới bộ mặt nông thôn; đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến đường.
Nét đẹp từ những “Tuyến đường văn hóa” được nhân rộng ra nhiều khu dân cư, đến cuối năm 2017, huyện Cai Lậy đã ra mắt 32 “Tuyến đường văn hóa”.
Đồng chí Võ Văn Nhanh, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Cai Lậy đánh giá: “Tuyến đường văn hóa” là danh hiệu văn hóa mới trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mà các xã, thị trấn đã tích cực thực hiện trong thời gian qua.
Từ phong trào, các con đường, khuôn viên nhà ở của nhân dân trên địa bàn huyện không ngừng được chỉnh trang, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Kết quả này rất đáng trân trọng, đã gắn kết cộng đồng thực hiện tốt vấn đề vệ sinh môi trường, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...”.
Chuyển biến rõ nét trên những “Tuyến đường văn hóa” ở huyện Cai Lậy không chỉ là không gian sống trong lành, mà còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết khi người dân chung tay bảo vệ môi trường, tạo thêm sức sống mới cho khu dân cư.
Với ý nghĩa ấy, mô hình “Tuyến đường văn hóa” đã và đang góp phần hình thành nếp sinh hoạt văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư.
TRƯỜNG GIANG