Thứ Năm, 19/04/2018, 20:51 (GMT+7)
.

Lấy nghị lực vượt qua những khiếm khuyết

Tham dự buổi Họp mặt kỷ niệm 38 năm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4-1980 – 18-4-2018) vừa diễn ra, có không ít em học sinh, tuổi còn nhỏ nhưng luôn nỗ lực vươn lên, vượt qua số phận không may bị khuyết tật để học tập, thực hiện ước mơ của bản thân, thật đáng khâm phục.

* EM CHÂU THỊ KIỀU OANH: Tìm niềm vui trong học tập

Em Châu Thị Kiều Oanh, học sinh lớp 85, Trường THCS Tịnh Hà (huyện Chợ Gạo) mắc bệnh teo cơ tủy sống từ khi mới 1 tuổi khiến cơ thể dần nhỏ lại và không thể đi đứng được.

Qua vận động của chính quyền địa phương và những người thực hiện Dự án Giáo dục cộng đồng, Oanh được gia đình cho đi học năm 6 tuổi.

Trong 8 năm qua, Oanh vẫn kiên trì cùng mẹ đến lớp trên chiếc xe lăn. Bên cạnh đó, Oanh còn luôn nhận được sự yêu thương, động viên, hỗ trợ tận tình của thầy cô, bạn bè.

Chính điều này đã giúp Oanh vượt qua nỗi đau về bệnh tật, sự mặc cảm, tự ti để luôn là học sinh khá, giỏi. Đặc biệt, Oanh còn có khiếu vẽ tranh rất đẹp và em đã đạt được nhiều giải thưởng cao.

Oanh cho biết, dù là một đứa trẻ khuyết tật nhưng em vẫn được đi học, vui đùa cùng bạn bè. Chính học tập đã cho em niềm vui và hạnh phúc.

Do đó, em luôn tự hứa với bản thân là cố gắng học thật tốt để không phụ lại sự thương yêu, chăm lo của mẹ, sự tận tình dạy dỗ của thầy cô và sự chia sẻ giúp đỡ của bạn bè.

* EM NGUYỄN CHUNG VUI: Đến trường trên lưng mẹ

Để lại nhiều cảm xúc trong lòng mọi người tham dự buổi họp mặt là hình ảnh chị Lê Thị Hà, người phụ nữ nhỏ nhắn, cõng trên lưng cậu con trai Nguyễn Chung Vui bị khuyết tật, với đôi chân teo tóp, hoàn toàn mất khả năng đi đứng.

Mẹ con chị Hà đến từ xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây) và câu chuyện về cậu con trai đến trường trên lưng của chị trong suốt những năm qua đã làm cho nhiều người xúc động, nể phục về tình yêu thương và ý chí vượt khó.   

Chung Vui hiện đang học lớp 7, Trường THCS Đồng Thạnh. Di chứng của căn bệnh teo cơ đã làm đôi chân em Vui bị teo tóp, đôi tay yếu ớt từ năm học lớp 3. Từ đó, đôi chân em bắt đầu yếu dần và không đi lại được.

Mọi sinh hoạt hằng ngày của em Vui đều phải nhờ ba, mẹ giúp đỡ. Đặc biệt là chuyện đi học của em Vui hoàn toàn phụ thuộc vào tấm lưng gầy của mẹ trong suốt nhiều năm qua. Hằng ngày, mẹ Vui phải cõng em đến trường học tập. “Vui rất ham học.

Nếu cho Vui nghỉ học thì chắc nó buồn nhiều lắm mà tôi cũng chẳng được vui. Thương con nên dù có cực nhọc thế nào thì tôi cũng cố gắng cõng con đi học, với mong muốn con sẽ có tương lai tươi sáng hơn” - chị Hà chia sẻ.

Còn Vui thì ước mơ sau này trở thành kỹ sư chế tạo máy móc. Vui cho biết, em rất thương mẹ, vì đã chịu nhiều khổ cực chăm sóc, nuôi nấng em và tiếp sức cho  em thực hiện ước mơ.

Do đó, mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần và động lực để em vượt qua mặc cảm, đến trường học tập, mong sau này có thể kiếm tiền, tự nuôi sống bản thân và không là gánh nặng của gia đình, xã hội.

* EM LÝ CÔNG UẨN: Đi học trên đôi nạng gỗ

Còn cậu học trò Lý Công Uẩn, mới học lớp 3 nhưng đã gánh lấy số phận kém may mắn, khi bị khuyết tật mất chân trái. Được biết, khi sinh ra, Uẩn khỏe mạnh, có cơ thể lành lặn.

Tuy nhiên, đến năm học lớp 1, chân trái của Uẩn bỗng dưng bị đau. Do triệu chứng đau ngày càng trở nặng nên gia đình đưa Uẩn đi khám và được bác sĩ chẩn đoán em bị bướu xương, phải tháo bỏ chân trái, khi còn quá nhỏ.

Vượt qua nỗi đau về bệnh tật, Uẩn trở lại lớp học, với nhiều khó khăn, trở ngại khi hòa nhập với cuộc sống, vì cảm giác chưa quen sinh hoạt với 1 chân và mặc cảm.

“Khó khăn nhất là mỗi lần phải leo lên cầu thang để đến lớp học hay bữa nào mưa to không ai đưa đi học là em phải nghỉ học, buồn lắm! Em rất muốn đi học như các bạn nên em đã quyết tâm tập luyện đi lại bằng đôi nạng gỗ. Đến nay, mỗi khi, cha mẹ bận việc, không thể đưa em đến trường thì em đã tự chống nạng gỗ để đi học” - Uẩn cho biết.

Nghị lực vượt khó và sự ham học đã giúp cậu học trò nhỏ Lý Công Uẩn dần bước đến lớp 3 của Trường Tiểu học Bình Phú (huyện Cai Lậy).
***
Con đường phía trước của các em còn lắm chông gai, thử thách. Hy vọng với ý chí, nghị lực, các em sẽ vượt khó, vươn lên tiếp tục đến trường, thực hiện được ước mơ của mình và mãi mãi là tấm gương sáng cho các bạn cùng cảnh ngộ noi theo.                              

    P. MAI

.
.
.