"Cày game" và những hệ lụy
Hiện nay, các trò chơi trực tuyến (Game online) thu hút đông đảo giới trẻ tham gia. Vào bất kỳ quán “net” nào trên địa bàn TP. Mỹ Tho, cũng thấy các bạn trẻ, từ học sinh bậc trung học phổ thông đến các bạn trẻ thế hệ 9x miệt mài “cày game”. Do quá nghiện các trò chơi game trực tuyến đã mang đến không ít hệ lụy cho giới trẻ.
CHƠI GAME ẢO - MẤT TIỀN THẬT
Những ngày cuối tháng 5, khi sắp kết thúc năm học, những quán “net” lúc nào cũng hoạt động hết công suất, ngày cũng như đêm.
Trước màn hình, có những “game thủ” gương mặt còn non choẹt, nhìn là có thể đoán còn đang tuổi cắp sách đến trường. Mỗi trận đấu trong game, người chơi biểu hiện nhiều sắc thái, tùy theo chiến tích của nhân vật.
Các “game thủ” cứ vô tư hò hét, chửi thề “tiếng Tây, tiếng ta” với bạn cùng chơi hay với các đối thủ trong game, bất chấp mọi người xung quanh.
Vừa qua, Liên chi hội Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin (CNTT), Trường Đại học Tiền Giang đã tổ chức giải thi đấu Liên quân Mobile (một trò chơi chiến thuật thuộc đấu trường, nhiều người chơi được phân phối lên nền tảng di động Android và iOS - PV), thu hút hơn 100 sinh viên ở các khoa tham gia. Bạn Lâm Tấn Chí, Liên Chi trưởng Liên chi hội Sinh viên Khoa CNTT, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, với mong muốn tạo ra một sân chơi lành mạnh cho các bạn sinh viên, vì đa số các bạn chơi game hay, có kỹ thuật chơi tốt thường ít tham gia các hoạt động ngoại khóa khác của nhà trường. Đây là dịp để các bạn giao lưu với nhau, thể hiện tinh thần đồng đội trên mỗi trận thi đấu. Tuy nhiên, bạn Lâm Tấn Chí cũng lo ngại: “Thực sự em rất đắn đo về việc tổ chức cuộc thi, bởi vì, qua cuộc thi này không khéo khích lệ để các bạn chơi game. Nhưng em tin rằng, với thể lệ cuộc thi và những quy định về tác phong của sinh viên khi tham gia cuộc thi, hy vọng các bạn sinh viên chơi game với thái độ văn minh”. |
Trong vai người đang tập chơi game online, phóng viên Báo Ấp Bắc làm quen với anh H.T.N. (26 tuổi, ngụ phường 10, TP. Mỹ Tho) ở một quán “net” nằm trên đường Lê Văn Phẩm (phường 5, TP. Mỹ Tho).
Anh N. từng chơi một số game online, nhưng do công việc làm ăn bận rộn nên anh đã “cai” được một thời gian, mới chơi lại khoảng 2 tháng nay, đang “cày” game Võ lâm truyền kỳ mỗi ngày với 6 tài khoản.
Trên màn hình máy tính, được anh mở một lúc 3 cửa sổ game Võ lâm truyền kỳ và 1 kênh Youtube chuyên về game online khác. Mắt dán vào màn hình, tay nhấp chuột liên tục, anh N. cho biết, hôm nào rảnh không đi làm thì “cày game” qua đêm ở quán, nếu mệt thì nằm ngủ tại quán.
Mỗi ngày chơi khoảng 12 tiếng, thời gian đó đủ để hoàn thành các nhiệm vụ trong game, kiếm các vật phẩm bán hoặc được tăng thời gian chơi. Để nhân vật được đẹp và mạnh hơn, một số “game thủ” sẵn sàng bỏ tiền ra để nạp thẻ cào hoặc giao dịch với các “game thủ” khác để mua vật phẩm trong game bằng tiền thật.
Được các “game thủ” giới thiệu một người có biệt danh là “Con trai của Thần game” - anh S. (28 tuổi, ngụ phường 5, TP. Mỹ Tho), chơi game online hơn 10 năm nay, đã không ngại khi chia sẻ “cày” game là… sở thích chính của anh. Năm 2017, anh “cày game” Ngạo kiếm vô song 2. Khi đó anh chơi 2 máy một lúc, một ngày chơi hơn 16 tiếng đồng hồ.
Hiện anh S. không chơi game Ngạo kiếm vô song 2 nữa, mà chuyển sang “cày game” Võ lâm truyền kỳ. Anh chia sẻ, khi game Kiếm thế phát triển mạnh, phía Công ty game đã mời anh quy tụ cộng đồng game thủ ở huyện Chợ Gạo, TX. Gò Công, TP. Mỹ Tho và tỉnh Bến Tre để tổ chức các buổi giao lưu, gặp mặt ở “thế giới thật”.
KHI “THƯỢNG ĐẾ” CHƠI GAME
Bỏ tiền ra mua một chiếc điện thoại smarphone kết nối Internet để chơi game là không quá khó đối với giới trẻ hiện nay, nhưng một số game vẫn cần phải chơi trên các máy tính cấu hình mạnh. Một chủ quán “net” cho biết, một số bạn trẻ đầu tư cho mình dàn máy vi tính cấu hình đáp ứng được các game online hiện nay, có giá từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng, nhưng vẫn ra quán “net” chơi game, vì ở đây có các “chiến hữu” chơi game chung.
Một chủ quán “net” trên đường Lê Văn Phẩm cho biết thêm, hiện các game thủ hay tập trung chủ yếu tại các quán “net” trên đường Lý Thường Kiệt và đường Lê Văn Phẩm, do ngoài các yêu cầu về cấu hình máy, quán còn có những dịch vụ khác như nước uống pha chế, thức ăn nhanh; có quán còn đầu tư cả phòng chơi game riêng, phục vụ cho khách hút thuốc lá.
Ngoài ra, quán còn trang bị tài khoản game Player Unknown’s Battle Grounds (còn gọi tắt là P.U.B.G - một thể loại game online bắn súng sinh tồn) có giá từ 300 ngàn đồng đến 360 ngàn đồng/tài khoản để phục vụ khách đến chơi.
Hiện các “game thủ” thường chơi các game thuộc thể loại MOBA (game nhập vai và chiến thuật đồng đội). Một số quán “net” còn phục vụ các “Thượng đế cày đêm” từ 22 giờ 30 phút đến 6 giờ sáng hôm sau.
Có mặt tại các quán cà phê, tôi dễ dàng bắt gặp các bạn trẻ dán mắt vào chiếc điện thoại smarphone để chơi game. Và việc “cày game” hiện nay cũng không còn “độc quyền” cho các bạn nam ham chơi hơn ham học, mà nó đã lan rộng ra nhiều thành phần, nhiều đối tượng trong xã hội, kể cả giới nữ.
Bạn Lâm Tấn Chí, Liên Chi trưởng Liên chi hội Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Tiền Giang cho biết, hiện nay các bạn nữ đã bắt đầu “cày” các thể loại game mobile và chơi cũng “siêu” không thua kém các bạn nam.
Bác sĩ Nguyễn Bá Triệu, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cho biết, nếu chơi game quá nhiều sẽ dẫn đến bị nghiện. Người bị nghiện game thường có những biểu hiện: Không tập trung cho việc học tập, bỏ bê công việc, có những biểu hiện như lầm lì, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người xung quanh, thậm chí không quan tâm đến gia đình.
Chính vì vậy, người nghiện game nếu là học sinh, sinh viên thì không thể có kết quả học tập tốt; còn người đã đi làm thì hiệu quả công việc không cao. Điều đáng quan ngại là, nếu nghiện game ở mức độ nặng có thể dẫn đến chứng trầm cảm với những biểu hiện như: Chán ăn, ăn ít, rối loạn tâm thần vận động, mất hứng thú và sở thích hoặc có ý nghĩ muốn chết, từ đó dẫn đến hành vi tự sát…
VĂN THẢO