Thứ Năm, 10/05/2018, 15:28 (GMT+7)
.
Huyện Tân Phú Đông:

Biện pháp nào cho tình trạng phá rừng phòng hộ?

Huyện Tân Phú Đông nằm giữa 2 nhánh sông Cửa Tiểu và Cửa Đại, có khoảng 10 km tiếp giáp Biển Đông. Với địa hình cù lao ven biển, huyện Tân Phú Đông được xác định là trọng điểm hứng chịu thiệt hại do bão và nước biển dâng.

Do thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai từ tác động của biến đổi khi hậu, nên thời gian qua, huyện Tân Phú Đông rất quan tâm đến công tác quản lý và phát triển rừng phòng hộ với thảm thực vật phong phú, đa dạng như bần, đước, mắm, dừa nước và nhiều loại cây rừng ngập mặn khác, nhằm che chắn sóng, gió từ biển khi có bão xảy ra, ngăn chặn xói mòn, sạt lở đất và nước biển dâng để bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản và hoa màu của nhân dân.

* Còn đó chuyện phá rừng

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, từ ngày thành lập huyện đến nay, trên địa bàn huyện đã trồng mới gần 80 ha rừng phòng hộ, nâng diện tích rừng phòng hộ trên toàn huyện lên trên 860 ha, tập trung ở các xã Phú Tân, Phú Đông và Phú Thạnh.

Trong số diện tích trồng mới hầu hết thuộc Dự án trồng rừng phòng hộ do tỉnh phê duyệt tại khu vực từ Cồn Cống đến Cồn Ngang (xã Phú Tân).

 Mưu sinh dưới rừng phòng hộ huyện Tân Phú Đông.
Mưu sinh dưới rừng phòng hộ huyện Tân Phú Đông.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ còn thiếu chặt chẽ, tình trạng phá rừng còn xảy ra và khi xảy ra vi phạm lại chậm xử lý hoặc xử lý chưa triệt để, ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn huyện. Đơn cử như thời gian qua, trên địa bàn xã Phú Đông có 38 hộ dân phá rừng làm đầm nuôi tôm với diện tích 18,9 ha.

Trước tình hình này, UBND xã Phú Đông đã tham mưu cho UBND huyện tiến hành lập hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính các hộ vi phạm theo quy định.

Bước đầu, xã vận động được hộ dân tự khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu và tiếp tục vận động các hộ còn lại; đồng thời, tham mưu UBND huyện ban hành Quyết định xử phạt hành chính 1 trường hợp. Riêng các trường hợp tự khắc phục, xã hướng dẫn hộ dân cam kết không tái phạm.

Ngoài ra, việc khảo sát diện tích rừng phòng hộ cũng chưa được các cấp, các ngành chức năng quan tâm thường xuyên. Trong khi các đai rừng phòng hộ hiện có của huyện còn mỏng; thậm chí, một số nơi không có rừng phòng hộ nên hạn chế sức chắn sóng, gió từ biển và bảo vệ đê.

* Nhiều khó khăn trong việc bảo vệ rừng

Xác định vai trò quan trọng của rừng phòng hộ ven biển trong việc chắn sóng, gió bảo vệ sản xuất của nhân dân, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, huyện Tân Phú Đông đã tổ chức giao khoán, bảo vệ rừng.

Theo đó, xã Phú Đông có 20 hộ dân nhận khoán và bảo vệ rừng, với diện tích gần 18 ha; xã Phú Tân có 28 hộ nhận khoán và bảo vệ rừng, với diện tích trên 200 ha và 2 đơn vị là Đồn Biên phòng Phú Tân, Công an xã Phú Tân nhận khoán hơn 340 ha. Đến nay, tổng diện tích rừng được các tổ chức, cá nhân nhận khoán chăm sóc, bảo vệ khoảng 558 ha (diện tích rừng còn lại do chưa đủ tuổi nên chưa giao khoán bảo vệ).

Tuy nhiên, do địa hình cù lao ven biển, chịu tác động của sóng, nước biển dâng và xâm thực làm cho cây rừng bị chết. Tính đến đầu năm 2018, trên địa bàn huyện Tân Phú Đông còn hơn 824 ha rừng phòng hộ, giảm 35,7 ha.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông Nguyễn Trung Hòa cho biết, việc triển khai Dự án phát triển rừng phòng hộ ở huyện Tân Phú Đông do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Huyện chỉ tiếp nhận diện tích rừng đã trồng mới và có trách nhiệm quản lý, bảo vệ. Từ đó, việc chủ động mở rộng diện tích rừng phòng hộ của huyện có phần hạn chế. 

Từ đó cho thấy, việc tăng cường công tác phát triển, bảo vệ rừng phòng hộ là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành hiện nay, nhất là ngành Nông nghiệp huyện cần chủ động phối hợp với chính quyền 2 xã Phú Đông và Phú Tân tuyên truyền, vận động người dân không tự ý chặt phá rừng để đào ao nuôi thủy sản; đồng thời phối hợp với các sở, ngành tỉnh có kế hoạch trồng mới, tái tạo diện tích rừng phòng hộ ven biển để che chắn sóng, gió, giảm thiệt hại khi có bão xảy ra, cũng như bảo vệ môi trường và sản xuất của nhân dân.

HỮU DƯ

.
.
.