Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai?
Trong cuộc sống ngày nay, đã có nhiều quan niệm khác nhau về hôn nhân, gia đình và nuôi dạy con cái. Tính bền vững của gia đình ngày càng giảm và ly hôn có xu hướng gia tăng.
Trong đó, tình trạng ly hôn được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi ly hôn không chỉ tạo nên sự tự do đơn giản cho vợ chồng mà còn gây ra nhiều thiệt thòi cho con cái, nhất là con cái ở lứa tuổi trẻ em; đồng thời, kéo theo sự đổ vỡ của nhiều mối quan hệ xã hội.
Minh họa: LÊ DUY |
NHIỀU THIỆT THÒI
Hằng năm, tòa án các cấp của cả nước phải xử lý trên 20.000 vụ ly hôn. Trong tổng số các vụ đã thụ lý hồ sơ có hơn 60% số vụ do mâu thuẫn gia đình. Những vụ ly hôn này ít nhiều đã để lại những hậu quả nặng nề cho các gia đình, cộng đồng và xã hội.
Thực tế, ly hôn gây tác hại trước hết là cho con cái, nhất là làm căng thẳng các mối quan hệ cha mẹ - con cái. Trong đó, điều mất mát lớn nhất từ sự ly hôn của cha mẹ đối với con cái, đó là một cơ cấu gia đình đầy đủ - điều kiện cơ bản để con cái phát triển.
Sau khi cha mẹ ly hôn, những phản ứng tức thời của trẻ em là sự hoảng sợ, cảm thấy bị bỏ rơi; tiếp đến là những bất ổn khác xảy ra.
Trẻ có thể gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình thích ứng tâm lý - xã hội như: Khó khăn trong học tập, thích ứng với hoàn cảnh sống mới, trong các mối quan hệ xã hội…
Nếu như sự thay đổi hoàn cảnh sống sau ly hôn tác động lớn đến trẻ nhỏ thì ở trẻ lớn hơn, khó khăn thường xuất hiện trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ bạn bè. Các em sẽ có tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc, có xu hướng “co mình” lại.
Riêng đối với trẻ em trai, một trong những hậu quả lâu dài mà sự ly dị của cha mẹ để lại là xu hướng bạo lực trong các mối quan hệ, nhất là quan hệ gia đình sau này.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, nhóm trẻ em trai này có tỷ lệ nghiện rượu, nghiện ma túy và có nguy cơ xuất hiện các rối nhiễu tâm lý cao hơn hẳn nhóm trẻ bình thường.
Thực tế cho thấy, đứa trẻ nào càng được yêu thương và chăm sóc đầy đủ bao nhiêu thì khi cha mẹ ly hôn các em càng cảm thấy bị tổn thương và hoảng sợ bấy nhiêu. Có không ít trường hợp, khi ly hôn, cha mẹ cố tình lôi kéo con cái về phía mình hoặc lấy con cái làm áp lực cho đối phương...
Vì vậy, không ít trường hợp con cái cảm thấy như đang phản bội lại cha hoặc mẹ, khi buộc phải chọn lựa cuộc sống theo cha hay mẹ. Điều này làm các em cảm thấy mặc cảm dằn vặt và khiến cho tâm hồn các em không bao giờ được thanh thản.
Cùng với tình trạng ly hôn có xu hướng gia tăng, nhất là ở các đô thị, thì số lượng trẻ em trong các gia đình ly hôn cũng tăng lên.
Trong tỷ lệ 65% - 70% gia đình ly hôn, có tới hàng ngàn trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành phải sống trong hoàn cảnh không có cha hoặc không có mẹ hay không có cả cha lẫn mẹ, phải sống với mẹ kế, bố dượng, thậm chí sống cùng ông, bà (nội, ngoại), chú, bác, cậu, dì...
Nhiều em còn rơi vào hoàn cảnh lang thang kiếm sống, lao động sớm hoặc rơi vào tình trạng nghiện hút, bị lạm dụng tình dục...
GIẢI PHÁP BẢO VỆ, CHĂM SÓC
Để hạn chế những hệ lụy, thiệt thòi cho trẻ em trong các gia đình ly hôn, các ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Qua đó, giúp cộng đồng xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ em trong các gia đình ly hôn.
Theo đó, tỉnh phấn đấu có 100% trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được bảo vệ, chăm sóc. 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khuyết tật được hỗ trợ chăm sóc, phục hồi chức năng tại cộng đồng và được tư vấn thích hợp.
Phòng ngừa và giảm đến mức thấp nhất số trẻ em bị tai nạn thương tích, bị xâm hại, vi phạm pháp luật, lang thang, trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại...
Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy và chỉ đạo của chính quyền các cấp cùng sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện can thiệp sớm và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng, trong đó có đối tượng trẻ em của các gia đình ly hôn.
Các tổ chức đoàn thể và nhân dân thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước đối với công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
CHÂU HẢO