Thủ tướng đối thoại với 1.000 công nhân về an sinh xã hội
Sáng 20-5, khoảng 1.000 công nhân khu vực đồng bằng sông Hồng có mặt tại tỉnh Hà Nam để gặp gỡ, trò chuyện với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ ngành và tập đoàn Nhà nước. Cuộc gặp còn có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Trong hai tiếng, nhiều thắc mắc của người lao động xoay quanh vấn đề tiền lương, an sinh xã hội và cuộc cách mạng công nghệ 4.0... được Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi đối thoại với công nhân sáng 20-5. Ảnh: Gia Chính |
Mở đầu buổi nói chuyện Thủ tướng đề nghị công nhân hãy mạnh dạn đặt câu hỏi để buổi giao lưu diễn ra thiết thực, không nặng tính hình thức, từ đó hoàn thiện thiết chế văn hóa công đoàn.
Vấn đề cải cách tiền lương được nhiều công nhân quan tâm hơn cả. Chị Trần Thị Thanh (Hưng Yên) băn khoăn việc cắt giảm thang bảng lương theo Nghị định 49 chuẩn bị sửa đổi dễ tạo cơ hội cho doanh nghiệp ép lương công nhân.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung nói Nhà nước sẽ quy định lương tối thiểu để đảm bảo cho công nhân và gia đình sống được. Doanh nghiệp trả lương đều phải trên cơ sở không thấp hơn quy định Nhà nước. Người lao động có quyền thỏa thuận với doanh nghiệp. Từ nay đến năm 2021, Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc để đảm bảo quyền lợi người lao động.
"Bộ Lao động chủ trì sửa đổi Nghị định 49 cần lấy ý kiến rộng rãi công nhân, Công đoàn cần xem xét thấu đáo, không gây sốc cho số đông công nhân, không tạo kẽ hở để chủ sử dụng ép lương người lao động", Thủ tướng nhắc.
"Trước đây tôi làm việc tại công ty có ông chủ người nước ngoài. Cuối năm 2017 ông chủ bỏ trốn, nợ ba tháng lương và sáu tháng bảo hiểm. Chúng tôi là những người lao động vất vả, làm sao cho chúng tôi lấy được tiền lương", công nhân Phạm Thị Nga (Thái Bình) nghẹn ngào.
Thủ tướng lập tức yêu cầu Bí thư tỉnh Thái Bình xác minh, có biện pháp đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Với đơn vị nợ bảo hiểm, ông chỉ đạo địa phương xác nhận thời gian để giữ quyền lợi cho công nhân. Trường hợp đặc biệt Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng ngân sách. Ông cũng nhắc Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có mặt tại hội trường về việc phải xem xét kỹ năng lực tài chính của doanh nghiệp khi chọn đối tác.
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (Hà Nam) lấy ví dụ từ bản thân chia sẻ về gánh nặng đời sống công nhân. Chị đang hưởng lương 4,5 triệu đồng/tháng, phải thuê nhà giá 1,2 triệu/tháng, chịu mức giá điện nước đắt hơn bình thường là 3.000 đồng một số, trong khi giá bán lẻ điện sinh hoạt khởi điểm là 1.549 đồng.
Công nhân nêu câu hỏi tại buổi đối thoại với Thủ tướng. Ảnh: Gia Chính |
Thủ tướng thừa nhận, câu chuyện nhà ở và trường học cho con em công nhân đã được đặt ra nhiều lần, nhiều địa phương đã vào cuộc và đạt một số kết quả, tuy nhiên "những kết quả này chưa đáp ứng được mong mỏi của anh chị em và Chính phủ".
Ông cũng cho rằng mức giá điện như phản ánh là vi phạm luật pháp, đề nghị các cơ quan liên quan chấn chỉnh. Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói sẵn sàng cùng Bộ Công Thương đi kiểm tra việc áp giá điện tại nhà trọ.
Phần trả lời của Thủ tướng nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng từ đông đảo người tham dự.
Chị Nguyễn Hoài Nam (Vĩnh Phúc) nêu bất cập về vấn đề chăm sóc sức khỏe. “Bữa ăn ca không đảm bảo chất và lượng. Môi trường làm việc nóng và ồn ảnh hưởng không chỉ đến chúng tôi mà còn cả thế hệ con cháu. Bệnh viện thì xa nơi công nhân ở, mong Chính phủ có giải pháp để công nhân khám chữa bệnh ngoài giờ vẫn được hưởng BHXH”.
Khẳng định sức khỏe là vốn quý của bất kỳ ai, đặc biệt giai cấp công nhân càng cần có sức khỏe, Thủ tướng yêu cầu mọi công nhân phải có thẻ bảo hiểm y tế và trách nhiệm thuộc về người sử dụng lao động, Công đoàn giám sát. "Công nhân phải có quyền nghỉ ngơi, ốm đau, thai sản được hưởng chế độ", ông nói.
Giải đáp thêm, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến hướng dẫn công nhân khi làm hợp đồng lao động cần có thêm mục khám chữa bệnh ngoài giờ. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm với công nhân của mình.
Trước câu hỏi về trật tự an toàn các khu công nghiệp, Thứ trưởng Công an, Thượng tướng Bùi Văn Nam hứa sẽ làm việc với địa phương để mỗi khu công nghiệp có ít nhất một đồn công an.
Về cuộc cách mạng công nghệ 4.0, công nhân Đoàn Văn Cương (Nam Định) nêu câu hỏi: “Cách mạng công nghệ 4.0 khiến chúng tôi bị thu hẹp phần lớn việc làm. Chính phủ có giải pháp gì để đảm bảo việc làm cho người lao động”.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giải đáp câu hỏi của công nhân. Ảnh: Quang Hiếu |
Phó thủ thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời, "bất kỳ cuộc cách mạng nào cũng có thách thức và thời cơ. Chúng ta mở rộng thị trường quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư, phát động sáng tạo của giai cấp công nhân. Đặc biệt là công nhân phải học tập để tăng cường kỹ năng".
Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hỏi lại công nhân trong khán phòng đã chuẩn bị gì cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0. “Bản thân tôi luôn cố gắng học tập nâng cao tay nghề, ngoại ngữ để làm chủ máy móc và nâng cao ý thức, trách nhiệm để không bị mất việc làm”, công nhân Đoàn Văn Cương trả lời.
Kết thúc chương trình, Thủ tướng tặng 65 suất học bổng, 18 suất hỗ trợ “Mái ấm công đoàn” tổng trị giá 50 tỷ đồng. “Người công nhân, nông dân, người tri thức các bộ ban ngành các địa phương đều phải nỗ lực để đưa đất nước tiến lên, không để tụt hậu như nguy cơ đang nhìn trước mắt”, Thủ tướng nói.
Đây là năm thứ ba liên tiếp Thủ tướng đối thoại với công nhân, sau các cuộc gặp tổ chức tại miền Nam năm 2016 và miền Trung năm 2017.
(Theo vnexpress.net)