Thứ Ba, 26/06/2018, 17:52 (GMT+7)
.

Công đoàn và việc chăm lo cho lao động nữ

Các cấp Công đoàn cơ sở (CĐCS), nhất là tại các doanh nghiệp đang cố gắng tìm ra nhiều giải pháp nhằm giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động - việc làm.

Cùng với xu thế phát triển, thời gian qua Tiền Giang đã thu hút nhiều dự án đầu tư nên số lượng lao động tham gia vào các khu, cụm công nghiệp rất lớn; trong đó lao động nữ chiếm tỷ trọng đáng kể.

Do vậy, vai trò của CĐCS trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng và các hoạt động chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ nữ công nhân, lao động an tâm sản xuất là vấn đề quan trọng đã và đang được đặt ra, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có số lượng nữ công nhân chiếm tỷ trọng lớn như trong nhóm ngành chế biến thủy sản xuất khẩu, may mặc, da giày…

Bữa cơm công nhân được doanh nghiệp quan tâm hơn.
Bữa cơm công nhân được doanh nghiệp quan tâm hơn.

Theo đại diện CĐCS Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Á Châu (xã Song Thuận, huyện Châu Thành), với tỷ lệ lao động nữ chiếm hơn 64% trên tổng số khoảng 800 lao động nên việc xác định công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng là rất quan trọng.

Theo đó, Ban Chấp hành (BCH) CĐCS luôn phối hợp chặt chẽ với Ban Giám đốc công ty thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho người lao động nữ thông qua thực hiện đầy đủ và kịp thời việc thanh toán tiền lương, thưởng, chế độ bồi dưỡng nặng nhọc, độc hại, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, các chế độ bảo hiểm; người lao động nữ có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được làm việc 7 giờ/ngày, chế độ trợ cấp con nhỏ dưới 6 tuổi, tăng chất lượng bữa ăn giữa ca.

Ngoài một số nội dung trên, BCH CĐCS còn đề xuất với lãnh đạo công ty thực hiện thưởng 1,5 tháng lương nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm, thưởng chuyên cần, hỗ trợ tiền ăn, nhà trọ, điện thoại, thâm niên, phụ cấp bằng cấp đối với người lao động đã qua đào tạo, từ đó giúp cho lao động nữ tăng thêm thu nhập, ngày càng ổn định và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống.

“Có thể nói, với ngành nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, với hơn 60% lao động nữ, đòi hỏi việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nữ công nhân, lao động có phần phức tạp hơn nam rất nhiều. Tuy nhiên, với phương châm “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”, cùng nhiều hoạt động thiết thực, lực lượng nữ công nhân đã đồng hành vượt qua nhiều khó khăn, đưa doanh nghiệp ngày càng ổn định và phát triển”- đại diện BCH CĐCS Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Á Châu cho biết.

Với số lượng trên 2.300 lao động đang làm việc, trong đó có khoảng 40% là lao động nữ, BCH CĐCS Công ty TNHH Công nghiệp Minh Hưng (xã Phước Lập, huyện Tân Phước) cũng tập trung thực hiện các hoạt động chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ nữ công nhân, lao động an tâm sản xuất; đồng thời, phát động và vận động nữ công nhân, lao động tham gia các phong trào thi đua do Công đoàn tổ chức.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch CĐCS công ty cho biết, đa số lao động nữ tại công ty được tạo cơ hội học nghề và nâng cao tay nghề cũng như bố trí việc làm ổn định, phù hợp với trình độ và tay nghề của người lao động.

“Nhiều phong trào thi đua do Công đoàn phát động, tổ chức thực hiện có hiệu quả, tiêu biểu như: Phong trào thi đua “Lao động giỏi - lao động sáng tạo”; phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”; phong trào “Thực hiện tiết kiệm chi phí nâng cao thu nhập”… đã thu hút đông đảo nữ công nhân tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực”- ông Tuấn cho biết.

Tại Công ty Jea-Must Việt Nam (ấp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây), do lực lượng nữ chiếm đa số nên BCH CĐCS công ty xác định công tác xây dựng, củng cố và phát triển Ban nữ công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Để cụ thể hóa các hoạt động, ngay từ khi tuyển dụng người lao động vào làm việc, công ty không phân biệt nam nữ, dân tộc, trình độ.

Ngoài thực hiện các chính sách cơ bản về lương, thưởng, bảo hiểm, tất cả lao động nữ khi vào làm việc, sau thời gian thử việc, học việc, nếu đạt yêu cầu, người lao động sẽ được ký hợp đồng lao động; được huấn luyện và đào tạo nâng cao kỹ năng nghề; lao động nữ mang thai được bố trí khu vực để xe riêng, được ưu tiên quẹt thẻ.

Không chỉ vậy, khi lao động nữ mang thai được 26 tuần và nuôi con dưới 1 tuổi được làm việc 7 giờ/ngày nhưng vẫn hưởng lương 8 giờ/ngày theo như hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, công ty còn thực hiện chính sách hỗ trợ tiền nuôi con dưới 6 tuổi…

Còn theo đánh giá của Liên đoàn Lao động TP. Mỹ Tho, với tỷ lệ chiếm hơn 56% trên tổng số lực lượng lao động trên toàn địa bàn thành phố, những năm qua các doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện cơ bản quyền làm việc của lao động nữ; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ; quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai; giúp đỡ, hỗ trợ người sử dụng lao động một phần chi phí gửi trẻ cho người lao động…

Tuy nhiên, ở một vài doanh nghiệp, việc thực thi pháp luật lao động chưa nghiêm, còn tình trạng phân công lao động chưa hợp lý giữa nam và nữ, lao động nữ vẫn còn nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, về cơ hội được đào tạo, đào tạo lại, cơ hội thăng tiến; vẫn còn định kiến giới, phân biệt đối xử với lao động nữ trong tuyển dụng, trong công tác bố trí, đề bạt cán bộ quản lý còn nghiêng về nam giới; một số chính sách cho lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi chưa đảm bảo và vẫn còn bộ phận lao động nữ thiếu ý thức vươn lên…

A.P - L.O

.
.
Liên kết hữu ích
.