Thứ Tư, 13/06/2018, 21:04 (GMT+7)
.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến

Với mục tiêu tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP), Tiền Giang đã triển khai quyết liệt các giải pháp và tạo nhiều chuyển biến trong công tác bảo đảm ATTP.

Các ngành chức năng tiến hành kiểm tra ATTP tại chợ Gò Công Đông.
Các ngành chức năng tiến hành kiểm tra ATTP tại chợ Gò Công Đông.

Trong quý I-2018, tỉnh Tiền Giang đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành gồm: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an… chủ động tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch cũng như đột xuất.

Theo đó, Sở Y tế tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Tổng số cơ sở mà các đoàn thực hiện kiểm tra là 2.838 cơ sở gồm: Dịch vụ ăn uống; sản xuất, kinh doanh thực phẩm; bếp ăn tập thể; thức ăn đường phố.

Qua kiểm tra có 2.711 cơ sở đạt vệ sinh, đạt tỷ lệ 95,5%; phát hiện và xử lý 16 cơ sở vi phạm; thực hiện test nhanh 481 mẫu thực phẩm và có 465/481 mẫu đạt. Sở Công thương tiến hành thanh tra độc lập về chất lượng ATTP tại 8 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mứt, kem, rượu và phát hiện vi phạm là 5 trường hợp.

Sở NN&PTNTđã tiến hành lấy 105 mẫu sản phẩm nông, thủy sản các loại để phân tích kiểm nghiệm các chỉ tiêu về ATTP. Kết quả có 3/105 mẫu không đạt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật, chỉ tiêu hóa chất/phụ gia.

Riêng giám sát các mẫu ở lĩnh vực chăn nuôi và thú y về tồn dư kháng sinh ở trứng gia cầm, kiểm tra Salbutamol ở nước tiểu heo… đều âm tính. Sở Y tế, Sở NN&PTNT và Sở Công thương đã cấp 203 Giấy xác nhận kiến thức về ATTP; 235 Giấy chứng nhận đủ điểu kiện ATTP.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phát động Tháng hành động vì ATTP năm 2018. Trong tháng, các ngành chức năng cùng các địa phương tiến hành kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 2.435 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể và chỉ có 98 cơ sở vi phạm về ATTP. Đặc biệt, trong quý I-2018 và Tháng hành động vì ATTP, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Theo Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP được các ngành chức năng và các địa phương triển khai có trọng tâm, trọng điểm, nghiêm túc từ tuyến tỉnh cho đến cơ sở. Công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức về chất lượng ATTP được chú trọng thực hiện đối với người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định.

Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn cũng như dịch vụ thức ăn đường phố chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động. Công tác quản lý ATTP ở các chợ, nhất là các chợ tạm còn nhiều khó khăn. Việc xử lý vi phạm ATTP ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh nhưng kết quả còn hạn chế, chủ yếu là nhắc nhở nên các vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn.

Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh Trịnh Phong Danh cho rằng, thời gian gần đây, những hành vi, kiến thức về ATTP của người dân, các cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được nâng cao. Tuy nhiên, từ kiến thức chuyển đổi sang hành vi vẫn đang còn là một vấn đề lớn.

Rất nhiều người sản xuất đã hiểu thế nào là thực phẩm an toàn cũng như làm thế nào cho thực phẩm an toàn nhưng vì lợi nhuận không ít người vẫn chưa sản xuất, kinh doanh bảo đảm ATTP. Bản thân người tiêu dùng khi được hỏi về ATTP thì rất lo lắng, quan tâm, rất muốn tìm hiểu thông tin nhưng khi thực hành thì chưa chắc theo đúng về ATTP.

Do đó, để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác ATTP tỉnh, Ban Chỉ đạo về vệ sinh ATTP sẽ chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm ATTP.

Trong đó, tập trung vận động người dân tự giác thực hiện các quy định pháp luật về ATTP, nhằm góp phần không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời, đưa các tiêu chí về ATTP vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP, nhất là Luật ATTP, tạo sự chuyển biến thực sự về trách nhiệm, hành vi ATTP đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cả người tiêu dùng.

Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về ATTP. Quan tâm đầu tư về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các đơn vị thực hiện công tác đảm bảo ATTP.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định về vệ sinh ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh...

P. NGHI

.
.
Liên kết hữu ích
.