Những "người đầu bếp" lặng thầm
Nếu xem những phóng viên tác nghiệp là người đi chợ, thì những bộ phận biện tập, hậu kỳ chính là những đầu bếp. Bữa ăn có ngon, có hấp dẫn hay không tùy thuốc rất nhiều vào những người đầu bếp. Thật vậy, mỗi tác phẩm báo chí (truyền hình, báo in, báo mạng) đều phải trải qua nhiều khâu: Biên tập, dàn dựng chương trình, dàn trang, in ấn… Độc giả thường biết đến tác giả những bài báo, ít biết đến những người làm “hậu kỳ”, mặc dù những người này góp phần không nhỏ để làm nên tác phẩm báo chí phục vụ công chúng.
MIỆT MÀI SAU CÁNH SÓNG TRUYỀN HÌNH
Đó là các kỹ thuật viên (KTV) dựng hình, thu âm, thu hình, kết nối chương trình, biên tập chương trình vệ tinh và giải trí, phát thanh… của Phòng Sản xuất chương trình - Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) Tiền Giang, hằng ngày, hằng giờ họ miệt mài bên các thiết bị máy móc, lặng lẽ với công việc.
Phát thanh viên đọc chương trình tại Đài PT-TH Tiền Giang. |
Trưởng phòng Sản xuất chương trình Cao Trung Tín cho biết: “Phòng Sản xuất chương trình là khâu quyết định tạo nên các tác phẩm truyền hình. Do là khâu hậu kỳ, nên lệ thuộc vào khâu tiền kỳ, bị áp lực về thời gian là không tránh khỏi. Khi phóng viên, biên tập viên đưa bài trễ thì các khâu đọc, thu, dựng rất vất vả. Dù trễ cỡ nào, bộ phần này cũng phải làm cho xong, vì kế hoạch chương trình đã lên rồi. Công việc lại càng áp lực khi hiện nay truyền hình phát sóng 24/24 giờ, phát thanh 18/24 giờ mỗi ngày. Nhận thức rõ trách trách nhiệm của mình, các KTV đã không nề hà, ngại khó để có những tác phẩm truyền hình hoàn thiện nhất phục vụ người xem, người nghe”.
Để có một phóng sự, phim tài liệu dài 30 phút thì KTV có khi phải mất đến 2 - 3 ngày dựng hậu kỳ. Để có 45 giây giới thiệu chương trình sao cho đặc sắc, người dựng hình phải dựng cả giờ mới hoàn thành... Tất cả vì mục đích đem đến cho khán giả những giây phút sống động, chân thực nhất trên màn ảnh nhỏ...
Hơn 20 năm làm công việc dựng hình, chị Đặng Trang chia sẻ: “Bộ phận dựng chờ phóng viên đi quay về đổ hình lên. Sợ nhất là gặp sự cố về máy móc bị nhiễm virut, rớt mạng hay cúp điện, dẫn đến bị “bể” chương trình. Đối với công việc truyền hình, việc nhân viên đi làm sớm về muộn là chuyện bình thường, khi nào hoàn tất công việc được Ban Giám đốc và lãnh đạo phòng duyệt xong thì mới được về. Cực nhất là vào các dịp lễ, tết, hay tỉnh có sự kiện quan trọng cần phải đưa thông tin liên tục...”.
Vai trò của người đọc, người dẫn chương trình cũng rất quan trọng. 15 năm làm phát thanh viên, chị Huỳnh Thị Loan Anh cho rằng: “Phát thanh viên đặc biệt phải giữ giọng và thanh sắc. Để chuyển tải hết thông tin của người viết đến khán giả, trước mỗi chương trình, phát thanh viên phải dò chương trình, tìm hiểu về lĩnh vực tin tức liên quan…”.
NHỮNG "NGƯỜI ĐẦU BẾP" THẦM LẶNG
Đó là những cán bộ, biên tập viên, họa sĩ, kỹ thuật viên, phóng viên phụ trách tư liệu của Phòng Thư ký - Xuất bản và cán bộ, nhân viên Phòng Trị sự của Báo Ấp Bắc. Có người lo công tác biên tập, trình bày báo, sưu tầm tư liệu, còn nhóm kỹ thuật viên thì lo dàn trang... (đối với Phòng Thư ký - Xuất bản); có người phụ trách mảng quảng cáo, phát hành báo, lo việc chi trả nhuận bút qua ngân hàng... (Phòng Trị sự). Là báo Đảng, vì vậy người phụ trách biên tập không đơn thuần chỉ sửa câu từ, lỗi chính của phóng viên, cộng tác viên, mà quan trọng hơn cả là tham mưu, giúp Ban Biên tập thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo Đảng...
Phòng Thư ký - Xuất bản (Báo Ấp Bắc) đang tác nghiệp. |
Để tờ báo xuất bản đúng định kỳ, những anh chị em ở đây làm việc không kể thời gian, nhất là các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh.... Phòng Thư ký - Xuất bản đi đầu ở cơ quan trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc, từ khâu tiếp nhận tin, bài của phóng viên, cộng tác viên, đến biên tập, dàn trang, chuyển file đến cơ sở in đều được thực hiện trên máy vi tính thông qua mạng Internet. Mặc dù khá nhiều công việc và bị áp lực nhưng anh chị em ở Phòng Thư ký - Xuất bản đã luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao. Các số báo được trình bày đẹp, chất lượng biên tập tốt, không để xảy ra sai sót...
Những đóng góp của anh chị em đang làm công việc hậu kỳ của trang báo là rất quan trọng. Họ giống như những con “ong thợ” cần mẫn, đóng góp thầm lặng; để "thổi hồn" vào những bài viết; gắn kết tác giả với bạn đọc, chuyển tải thông tin đến cộng đồng hiệu quả hơn.
P. MAI