Nỗi lo về tai nạn lao động
Mặc dù trong những năm qua, chính sách, pháp luật về lao động được ban hành đầy đủ, cụ thể, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các doanh nghiệp (DN) và điều kiện làm việc của người lao động (NLĐ) cũng được chú trọng hơn, nhưng tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn xảy ra và số người chết lại gia tăng.
NLĐ bị TNLĐ phải sống đời sống thực vật. |
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, số vụ TNLĐ trong các năm qua có chiều hướng giảm, nhưng số người chết lại gia tăng. Cụ thể là năm 2015 đã xảy ra 90 vụ TNLĐ, trong đó 8 người chết, 33 người bị thương nặng; năm 2016 xảy ra 69 vụ TNLĐ, trong đó 5 người chết, 18 người bị thương nặng; năm 2017 xảy ra 25 vụ TNLĐ, trong đó có 11 người chết, 14 người bị thương nặng. Nguyên nhân một phần là do bất cẩn của NLĐ trong sử dụng, vận hành máy móc, dây chuyền sản xuất.
HỆ LỤY VÀ NGUYÊN NHÂN
TNLĐ đã để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi gia đình và bản thân NLĐ. Cụ thể, trường hợp TNLĐ nặng như anh Nguyễn Thanh Long (xã Phước Lập, huyện Tân Phước) là công nhân tại Công ty TNHH Bao bì Yongfeng Việt Nam.
Trong quá trình làm việc, do sơ suất anh đã bị máy cắt đứt bàn tay trái, tỷ lệ thương tật 61% và đến nay vẫn chưa đi làm lại được dẫn đến gia đình gặp khó khăn.
Trường hợp khác, anh Huỳnh Văn Thiệt (phường 4, TP. Mỹ Tho), công nhân Doanh nghiệp tư nhân Tiến Phát, bị tai nạn khi điều khiển xe tải làm liệt cả 2 chân, hiện tại phải di chuyển bằng xe lăn. Qua tìm hiểu, được biết những trường hợp bị TNLĐ này đều là lao động chính của gia đình, gia cảnh rất khó khăn.
Theo đánh giá chung, nguyên nhân xảy ra TNLĐ là do NLĐ, DN và kể cả ở các cơ quan, ban, ngành. Về phía NLĐ, do không được huấn luyện hoặc huấn luyện không đầy đủ về các kiến thức, kỹ năng làm việc dẫn đến NLĐ không thực hiện đúng quy trình sản xuất.
Chưa kể còn do NLĐ chủ quan, ý thức kỷ luật lao động còn hạn chế. Một phần do phía DN chưa tổ chức huấn luyện về an toàn lao động cho NLĐ theo đúng quy định, hoặc chỉ huấn luyện lý thuyết mà không chú trọng việc thực hành, không huấn luyện các kỹ năng tự đánh giá rủi ro, kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ; DN chưa tuân thủ các quy định của nhà nước về an toàn lao động.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ tại các DN còn hạn chế, nên chưa kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật.
LÀM GÌ ĐỂ HẠN CHẾ TNLĐ
Trước hết, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của DN, cơ sở sản xuất và NLĐ để cảnh giác, phòng ngừa TNLĐ. DN cần nhận thức ATVSLĐ là điều kiện để DN phát triển ổn định và bền vững, vì lợi ích của DN và NLĐ.
DN sử dụng các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động cần tăng cường kiểm định để kịp thời phát hiện các nguy cơ gây mất an toàn và khai báo đúng quy định. DN cần tổ chức huấn luyện cho NLĐ làm việc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại có thể gây TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
Cùng với đó, DN cần thực hiện quan trắc môi trường lao động và có các biện pháp khắc phục ngay khi các điều kiện lao động không đảm bảo an toàn; cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho NLĐ, khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ...
Còn NLĐ trong quá trình làm việc cần nghiêm túc chấp hành nội quy, quy trình và các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc. NLĐ cần sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; kịp thời báo cáo cho người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn.
Các cơ quan, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác ATVSLĐ tại các DN, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, các cơ quan, ban, ngành cần tổ chức các hoạt động thiết thực, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của DN và NLĐ về pháp luật ATVSLĐ; tích cực thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa mới hạn chế được các TNLĐ, bệnh nghề nghiệp xảy ra.
LÝ OANH