Tăng cường bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động
Công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động luôn được huyện Cai Lậy tập trung thực hiện, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động và sự phát triển ổn định của các đơn vị, doanh nghiệp.
Điều kiện làm việc của công nhân tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cai Lậy đã có nhiều cải thiện (ảnh chụp tại DNTN Mỹ Tiên Tiền Giang). |
Huyện Cai Lậy hiện có 186 doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực: Xay xát; may mặc; chế biến và kinh doanh nông sản, thủy sản… Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ được huyện Cai Lậy đặc biệt quan tâm thực hiện.
Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền như: Hệ thống truyền thanh cơ sở; tuyên truyền trực tiếp tại nơi sản xuất, kinh doanh; cảnh báo, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… đã góp phần nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động.
Do có số lượng công nhân đông, với hơn 1.100 công nhân làm việc tại các dây chuyền sản xuất nên công tác bảo đảm ATVSLĐ luôn được Công ty TNHH dệt len Ecoway (ấp Phú Hòa, xã Phú Nhuận) chú trọng thực hiện.
Với đặc thù là doanh nghiệp sản xuất hàng dệt len, môi trường lao động nhiều bụi, tiếng ồn nên công ty luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ nhằm bảo đảm sức khỏe cho người lao động trong hoạt động sản xuất.
Đa số người lao động làm việc tại công ty đều được trang bị bảo hộ lao động và tuyên truyền, huấn luyện về an toàn khi sử dụng máy móc thiết bị, an toàn điện, an toàn hóa chất, phòng cháy chữa cháy…
Ông Lê Thanh, đại diện Công ty TNHH dệt len Ecoway cho biết: “Công ty xác định ATVSLĐ liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người lao động và hoạt động của doanh nghiệp.
Do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ mất ATVSLĐ, công ty xây dựng nội quy, quy trình an toàn lao động, vệ sinh lao động ở từng chuyền sản xuất và từng loại máy móc, thiết bị theo quy định.
Công nhân trực tiếp sản xuất của công ty thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống tai nạn lao động”.
Huyện Cai Lậy cũng đã đẩy mạnh công tác kiểm tra ATVSLĐ tại các doanh nghiệp. Qua đó, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các doanh nghiệp có những sai phạm về ATVSLĐ.
Năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, huyện Cai Lậy tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại 13 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở các lĩnh vực chế biến thủy sản, cơ khí, may mặc… Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về ATVSLĐ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nghiêm túc thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động, không có nội quy lao động, không đảm bảo phương án phòng cháy chữa cháy…
Nguyên nhân do nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ chưa đầy đủ và chưa thấy hết nguy cơ đe dọa đến tính mạng, sức khỏe người lao động cũng như những thiệt hại cho doanh nghiệp khi mất ATVSLĐ xảy ra.
Hằng năm, huyện Cai Lậy đều tích cực hưởng ứng, phát động Tháng hành động về ATVSLĐ. Qua đó, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo đảm ATVSLĐ và cam kết thực hiện tốt quy định của pháp luật về công tác này.
Theo đó, các doanh nghiệp tập trung cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường lao động... Đồng thời, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, góp phần hạn chế tai nạn lao động xảy ra.
Theo Liên đoàn Lao động huyện Cai Lậy, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp thì bản thân người lao động cũng cần ý thức trong việc chấp hành nội quy, quy trình làm việc, nắm vững kiến thức, kỹ năng, các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ…
Như vậy, mới tránh được tai nạn lao động, bảo đảm ATVSLĐ, tạo môi trường làm việc an toàn, bảo vệ người lao động và nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp.
TRƯỜNG GIANG