Thứ Sáu, 22/06/2018, 21:01 (GMT+7)
.

Thầm lặng những việc làm ý nghĩa giữa đời thường

Trong  phong trào thi đua yêu nước, huyện Châu Thành đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình. Họ như những bông hoa thầm lặng tỏa hương giữa đời thường.

HIẾN ĐẤT LÀM ĐƯỜNG

Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, huyện Châu Thành đã có nhiều tấm gương sẵn sàng hiến đất, góp công, góp của chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương xây dựng thành công nhiều xã NTM. Ông Võ Văn Lư, ngụ ấp Đông, xã Kim Sơn là một trong những điển hình trong việc làm ý nghĩa này.

Là nông dân, nguồn thu nhập chính dựa vào vài công đất vườn, đã có lúc khó khăn, ông Lư phải lên tận tỉnh Bình Dương làm thuê để lo cho gia đình.

Nhờ cần cù lao động, tiết kiệm trong chi tiêu nên những năm gần đây, hoàn cảnh gia đình ông Lư dần khấm khá hơn.

Dù chưa thể gọi là giàu có và hiểu rõ được giá trị của “tấc đất tấc vàng”, nhưng ông Lư vẫn cho rằng được góp công, góp sức cùng cộng đồng là niềm hạnh phúc của ông, nhất là đóng góp để xây dựng quê hương, làng xóm.

Vừa qua, khi được các ban, ngành, đoàn thể xã và ấp tuyên truyền vận động mở rộng tuyến đường thuộc ấp Đông đi ngang qua phần đất của gia đình, nhận thấy được lợi ích chung của người dân trên địa bàn nên ông cùng gia đình vui vẻ hiến 300 m2 đất trị giá khoảng 400 triệu đồng và phá vỡ hàng rào kiên cố (kinh phí xây dựng gần 30 triệu đồng) để xây dựng đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.

Nói về việc làm của mình, ông Lư bộc bạch: “Tôi từng sống trong cảnh đường sá nhỏ hẹp, lầy lội nên thấu hiểu được sự vất vả của người dân khi vận chuyển hàng hóa, trái cây mỗi khi đến mùa thu hoạch, các cháu học sinh vất vả đến trường mỗi khi trời mưa.

Chính vì vậy, khi được UBND xã Kim Sơn tuyên truyền phát động chuyên đề thi đua “Kim Sơn chung sức xây dựng NTM”, tôi nhận thức được rằng, xây dựng NTM là trách nhiệm, là nghĩa vụ của người dân nên sẵn sàng hiến đất, cây trồng, hàng rào khi có công trình công cộng đi qua, đóng góp ngày công lao động, tham gia cùng chi bộ, chính quyền ấp thực hiện thủy lợi nội đồng, khơi thông dòng chảy.

Thật vui mừng, khi đến nay hầu hết những con đường của xã đã được trải bê tông sạch sẽ, rộng rãi, góp phần giải quyết nhu cầu giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế của xã”.

Để Kim Sơn ngày thêm phát triển, ông cho biết sẽ tiếp tục thực hiện và động viên người dân xóm ấp cùng phát huy trách nhiệm, duy trì mỗi hộ dân là một gia đình văn hóa, đồng lòng ra sức và quyết tâm giữ vững danh hiệu xã NTM.

Đồng thời, ông tiếp tục tích cực tham gia các phong trào thi đua phát triển sản xuất, sẵn sàng hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc khi có công trình công cộng đi qua.

TINH THẦN “NHƯỜNG CƠM SẺ ÁO”

Anh Nguyễn Nghĩa Dũng, ngụ ấp Nam, xã Dưỡng Điềm được biết đến là một trong những tấm gương điển hình vượt khó làm giàu và giúp đỡ nhiều người khó khăn cùng vươn lên thoát nghèo.

Xuất thân từ gia đình nghèo, nhưng anh Dũng không khuất phục, luôn nỗ lực vươn lên. Anh đã tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên sách, báo và các mô hình chăn nuôi, tham gia các lớp tập huấn, vừa làm vừa trau dồi, tích lũy kinh nghiệm.

Không phụ những cố gắng đó, việc chăn nuôi heo của gia đình anh gặp nhiều thuận lợi với đầu ra luôn đảm bảo. Đến nay, anh có đàn heo nuôi gồm 10 con heo nái và 100 con heo thịt, thu nhập bình quân từ 350 triệu đồng đến 400 triệu đồng/năm.

Trại chăn nuôi heo của anh áp dụng theo quy trình khép kín, có hầm biogas vừa giải quyết chất thải từ chăn nuôi vừa có khí gas để dùng cho đun nấu của gia đình giúp mỗi tháng tiết kiệm khoảng 400.000 đồng. Ngoài ra, anh còn kinh doanh thuốc thú y và thức ăn gia súc phục vụ cho người chăn nuôi trong và ngoài xã.

Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm trong chăn nuôi, anh Dũng nói: “Hằng năm, tôi đều tích cực tham gia các buổi tập huấn, hội thảo, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới do ngành Nông nghiệp tổ chức; luôn tìm tòi, học hỏi những mô hình chăn nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao trên báo, đài, Internet để áp dụng vào đàn heo của gia đình.

Đồng thời, tôi mạnh dạn đầu tư kinh doanh thuốc thú y và thức ăn gia súc phục vụ cho người dân trong và ngoài xã” .

Có thể nói, sau nhiều năm nỗ lực vượt khó, đến nay anh Dũng được xem là đã thành đạt. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Dũng còn giúp đỡ nhiều hộ dân nghèo khó vươn lên trong cuộc sống.

“Mình đã từng nghèo khó nên giờ tôi có điều kiện hơn muốn giúp lại người nghèo trên tinh thần “nhường cơm sẻ áo” - anh Dũng chia sẻ.

Trên tinh thần đó, năm qua anh Dũng hỗ trợ khoảng 30 triệu đồng làm đèn đường ấp Nam; đóng góp 10 triệu đồng hưởng ứng phong trào “Tết làm việc nghĩa” do Hội Nông dân huyện Châu Thành phát động; vận động mạnh thường quân tặng nhiều phần quà (xe đạp, xe đạp điện) cho học sinh giỏi Trường THCS Dưỡng Điềm trị giá 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn cho 20 hộ chăn nuôi heo lỗ vốn năm 2017 nợ không tính lãi suất khoảng 2 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho 3 lao động, tạo việc làm thời vụ cho 65 lao động.

Hằng năm, anh Dũng còn liên hệ trực tiếp với các ngành chức năng tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội thảo về đề tài chăn nuôi heo, gà, cá tai tượng, cây ăn trái… cho người dân trong xã.

Với những việc làm trên, trong những năm qua, anh Dũng được tặng 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 6 Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích trong thực hiện phong trào thi đua Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và giảm nghèo bền vững…

HOÀI THU

.
.
.