Thứ Hai, 04/06/2018, 14:17 (GMT+7)
.

Xuất khẩu lao động: Đi làm thuê, về làm chủ

Chủ trương đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (gọi tắt là xuất khẩu lao động - XKLĐ) đang được các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chú trọng và đẩy mạnh thực hiện.

Để đạt những kết quả ấn tượng trong XKLĐ, một trong những đòn bẩy quan trọng của tỉnh Đồng Tháp là ban hành các chính sách thiết thực để hỗ trợ người lao động, với thông điệp “Đi làm thuê, về làm chủ”.

Các học viên sẽ được học tiếng Nhật cơ bản tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp khi đi làm việc tại Nhật Bản.
Các học viên sẽ được học tiếng Nhật cơ bản tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp khi đi làm việc tại Nhật Bản.

HIỆU QUẢ TỪ XKLĐ

Tỉnh Đồng Tháp được xem là địa phương dẫn đầu trong khu vực về việc đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tìm hiểu thực tế tại tỉnh Đồng Tháp có thể thấy rằng, năm 2017 đã chứng kiến sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của tỉnh Đồng Tháp về XKLĐ, với 1.651 lao động đi làm việc ở các nước.

Đây là con số rất ấn tượng so với nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu theo dõi từ năm 2017 trở về trước, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài hầu như đều tăng qua từng năm. Điều này cho thấy, tình hình XKLĐ của Đồng Tháp đang rất khả quan.

Cái chính của hiệu quả XKLĐ là mức thu nhập, đời sống của người lao động. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp, đời sống và thu nhập của người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thời gian qua được đánh giá là ổn định.

Qua các chuyến khảo sát thực tế, thăm lao động đang sinh sống và làm việc tại các nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao điều kiện sinh hoạt từ nơi ăn, ở và thu nhập của người lao động ở các nơi này.

Chúng tôi đã trao đổi với chị Nguyễn Phượng Tường (ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), người đã tham gia chương trình XKLĐ sang Nhật Bản vào tháng 1-2015 trong thời gian 3 năm. Kết thúc thời gian làm việc, đầu năm 2018, chị trở về nước và được nhận vào Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp để thực hiện công tác giảng dạy tiếng Nhật cho các học viên.

Theo chị Tường, đi XKLĐ giúp chị trau dồi được vốn kiến thức về tiếng Nhật nhờ tiếp xúc thường xuyên với người bản xứ. Ngoài ra, đây còn là dịp giúp chị có thu nhập ổn định, mỗi tháng tích lũy được khoảng 20 triệu đồng.

“Môi trường làm việc ở Nhật Bản rất tốt. Chúng tôi được làm việc ở nơi rất mát mẻ, công việc nhẹ nhàng nhờ hệ thống thiết bị, máy móc tự động. Bên cạnh đó, các chế độ cho người lao động được công ty chi trả đầy đủ. Mọi vật dụng sinh hoạt cần thiết đến phương tiện đi lại đều được công ty cấp. Ngoài ra, khi làm việc trong môi trường này, tôi được rèn luyện tác phong, lề lối trong làm việc, góp phần trau dồi tác phong công nghiệp”- chị Tường bày tỏ.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp, hiện việc XKLĐ vào thị trường Nhật Bản rất ít xảy ra rủi ro, thu nhập khoảng 27 triệu đồng/tháng. Hiện nay, cơ hội để người lao động làm việc ở thị trường Nhật Bản là rất tiềm năng. Để giúp người lao động biết tiếng Nhật, trung tâm có mở các lớp đào tạo tiếng Nhật cơ bản cho người dân, sau đó họ sẽ được đào tạo tiếng Nhật chuyên sâu tại TP. Hồ Chí Minh nếu trúng tuyển.

Khi có nhu cầu đi XKLĐ, người lao động sẽ được cán bộ xã, phường tư vấn. Khi đến trung tâm, người lao động sẽ được tư vấn thêm một lần nữa để xác định lại tư tưởng. Khi quyết định đi XKLĐ ở nước nào, trung tâm sẽ định hướng cho người lao động đi theo đơn hàng nào phù hợp với khả năng.

Các đơn hàng do các công ty yêu cầu sẽ được trung tâm thẩm định. Trong mỗi đơn hàng sẽ có những thuận lợi và khó khăn, chủ trương của tỉnh và trung tâm là không “tô hồng”. Khó khăn ở công việc đó là gì sẽ được trung tâm báo trước với người lao động để họ có sự chuẩn bị ngay từ đầu.

Từ năm 2007 đến hết năm 2017, toàn tỉnh Đồng Tháp đã đưa được 4.974 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, nhiều nhất là Nhật Bản với 2.128 lao động, Đài Loan 1.361 lao động, Hàn Quốc 708 lao động…

Còn theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Xuân, thời gian qua, hoạt động XKLĐ vẫn được xem là một kênh giải quyết việc làm tốt, là giải pháp làm ăn có hiệu quả.

Đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vừa đảm bảo mục tiêu xã hội, vừa là kinh tế nhằm giảm sức ép về giải quyết việc làm cho người lao động nói riêng, cả nước nói chung, góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao tay nghề, nâng chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

ĐÒN BẨY TỪ NHỮNG CHÍNH SÁCH

Có thể nói, để hoạt động XKLĐ ở tỉnh Đồng Tháp đạt kết quả như hiện tại, vai trò của việc tuyên truyền, vận động người dân rất quan trọng. Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia XKLĐ được cả hệ thống chính trị tham gia từ cấp tỉnh cho đến phường, xã…

Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, có chất lượng, tạo được ấn tượng trong nhân dân. Công tác tư vấn mở rộng đối tượng kết hợp hình ảnh trực quan minh họa mang tính chuyên nghiệp, vì vậy hiệu quả ngày càng cao hơn.

Phải khẳng định rằng, “chất xúc tác” quan trọng nhất trong việc thúc đẩy XKLĐ tại Đồng Tháp nằm ở các chính sách. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã xác định, XKLĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Ngoài ra, điều này sẽ giúp địa phương có được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh. Để XKLĐ đạt hiệu quả, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Ban Chỉ đạo để theo dõi sát sao hoạt động này. Tỉnh ủy, UBND tỉnh có Nghị quyết, Công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung quyết liệt cho XKLĐ, xem đây là nhiệm vụ chính của từng đơn vị. HĐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2017 - 2020.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp, để thúc đẩy hoạt động XKLĐ, một trong những điểm mấu chốt của tỉnh là hỗ trợ cho người lao động vay không thế chấp bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Theo đó, để hỗ trợ người tham gia XKLĐ giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Đồng Tháp sẽ hỗ trợ các chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết.

Quan trọng nhất là chính sách cho vay vốn làm chi phí đi XKLĐ. Cụ thể, người lao động thuộc diện gia đình chính sách sẽ được vay 100% chi phí, đi làm việc ở Nhật Bản, Đài Loan được vay 90% chi phí. Ngoài ra, hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp đã tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành chính sách hỗ trợ người lao động về nước trước thời hạn (do yếu tố rủi ro). Điều này được địa phương đánh giá là cần thiết để khuyến khích hoạt động XKLĐ.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Xuân cho biết thêm, để theo dõi hoạt động sản xuất, đời sống của người tham gia XKLĐ, tỉnh đã thành lập các Đoàn đi thăm lao động đang làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, tỉnh đang thí điểm đưa lao động đi làm việc thời vụ ở nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tỉnh đã đưa được 23 người lao động đi làm việc theo hợp đồng thời vụ, cơ bản các lao động đều làm việc tốt.

“Theo quan điểm cá nhân, để các địa phương thực hiện tốt việc XKLĐ thì cần phải tạo mối quan hệ tốt với các nghiệp đoàn ở các nước” - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Xuân nói.

PHƯƠNG ANH - M. THÀNH

.
.
Liên kết hữu ích
.