Thứ Hai, 02/07/2018, 15:36 (GMT+7)
.

Chợ nổi Cái Bè- Mai này liệu có còn không?

Chợ nổi Cái Bè là nét đặc trưng riêng của vùng sông nước Nam bộ, nên cần được giữ gìn, khai thác, nhất là phục vụ du khách.

Chợ nổi là nơi nhiều ghe xuồng neo đậu tập trung gần nhau trên sông nước để mua bán hàng hóa (mua bán trên sông). Chợ nổi Cái Bè định vị trên đoạn sông từ cầu Cái Bè đến ngã ba tiếp giáp sông Tiền thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè và xưa nay trong dân gian thường gọi là “Chợ nổi Cái Bè”.

Thời gian qua, thương thuyền mua bán tại chợ nổi Cái Bè giảm mạnh.
Thời gian qua, thương thuyền mua bán tại chợ nổi Cái Bè giảm mạnh.

Chợ nổi Cái Bè có từ lâu đời, được hình thành để mua bán, trao đổi giao thương giữa các tỉnh trong vùng, như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp…

Hàng hóa mua bán chủ yếu là hàng nông sản gồm các loại: Trái cây, củ, rau… rất phong phú, đa dạng. Đồng thời, chợ nổi Cái Bè còn là nơi thu mua hàng hóa để sau đó vận chuyển đi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận để tiêu thụ.

Hình thức tổ chức chợ nổi trên sông Cái Bè có một thời gian dài phù hợp với vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, vì điều kiện giao thông đường bộ lúc bấy giờ chưa phát triển, chỉ duy nhất có lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) nên việc vận chuyển hàng hóa hết sức khó khăn, cư dân trong vùng đi lại, mua bán phổ biến bằng phương tiện xuồng ghe.

Do đó, chợ nổi Cái Bè đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Chợ nổi được tồn tại và phát triển gần 100 năm, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ sau thập niên 80 của thế kỷ 20, khi du lịch Tiền Giang bắt đầu đi vào hoạt động, chợ nổi Cái Bè được du khách từ xa đến tham quan và họ thích kiểu mua bán trên sông nước, nên từ đó chợ nổi trở thành một trong những sản phẩm du lịch của Tiền Giang ngày càng thu hút du khách đến với chợ nổi và các điểm du lịch trên địa bàn huyện Cái Bè (6 tháng đầu năm 2018, có hơn 28.350 lượt khách đến với huyện Cái Bè, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu là khách quốc tế).

Du khách rất thích tham quan, thưởng ngoạn cảnh mua bán trong không gian, không khí tự nhiên trên sông nước, thích được mua những sản phẩm từ chợ nổi Cái Bè và thích được quay phim, chụp ảnh… Qua hình thức chợ nổi, du khách đã quảng bá tốt đẹp về quê hương, con người Tiền Giang đến với các địa phương trong nước và quốc tế. Một số du khách đến với Tiền Giang để mong được đến tham quan chợ nổi Cái Bè.

Tuy nhiên, chợ nổi Cái Bè những năm gần đây gặp không ít khó khăn. Việc mua bán trên bờ ngày càng phổ biến và việc vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện ô tô vừa thuận lợi, vừa nhanh chóng, nên thương thuyền mua bán trên chợ nổi đã giảm mạnh (trước đây hàng trăm ghe, xuồng, nay chỉ còn vài chục chiếc).

Do kinh doanh kém hiệu quả nên dần dần một số chủ phương tiện tự giải thể; số còn lại vừa mua bán, vừa phải cố gắng giải quyết các mối quan hệ xã hội trong điều kiện khó khăn hơn so với trên bờ như việc cho con đi học, chữa bệnh, đi đám tiệc…

Vậy, để chợ nổi Cái Bè được tiếp tục duy trì và phát triển, luôn là một sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh nhà, thì chợ nổi cần hỗ trợ gì từ các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp du lịch. Qua khảo sát thực tế, người viết xin được đề xuất một số ý kiến như sau:

- Cần quy hoạch tổng thể không gian chợ nổi gắn với các điểm du lịch trên địa bàn huyện Cái Bè như các vườn trái cây đặc sản, Làng cổ Đông Hòa Hiệp, làng nghề, khu resort và chợ nổi nằm cạnh với Công viên trái cây sau này sẽ rất hấp dẫn và hiệu quả. Cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cần có kế hoạch đầu tư để cho chợ nổi Cái Bè hoạt động sôi nổi, sung túc trong điều kiện thuận lợi hơn.

- Nên đầu tư xây dựng một bến đỗ trên bờ và có cầu tàu để dẫn khách du lịch (không đi tour bằng thuyền) tập trung và có ghe xuồng trung chuyển từ bờ ra các ghe, xuồng bán hàng hóa trên chợ nổi, để du khách tham quan, giao lưu, mua bán, kể cả người dân địa phương cũng thuận tiện trong việc đi mua các loại hàng hóa trên sông.

- Nhà nước có thể miễn hoặc giảm thuế cho người bán hàng hóa trên ghe thuyền chợ nổi và miễn hoặc giảm học phí các bậc học phổ thông cho học sinh là con của những người đang sinh sống và bán hàng hóa trên chợ nổi nhằm giảm bớt khó khăn để duy trì việc mua bán trên chợ nổi.

- Mỗi doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Cái Bè cần đầu tư ít nhất một chiếc ghe hàng hóa để tham gia mua bán cùng những ghe, xuồng đang mua bán trên chợ nổi. Qua đó, doanh nghiệp vừa giới thiệu, rao bán hàng hóa thuộc sản phẩm riêng của doanh nghiệp mình phục vụ khách du lịch, vừa làm tăng số lượng ghe, xuồng cho chợ nổi đông hơn, sôi nổi nhộn nhịp hơn (trên địa bàn huyện Cái Bè hiện nay có trên 20 doanh nghiệp du lịch nếu tham gia sẽ có thêm trên 20 chiếc ghe, xuồng mua bán trên chợ nổi).

- Các công ty lữ hành du lịch đến từ các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài khi đưa khách du lịch đến tham quan phải có trách nhiệm đóng một khoản kinh phí để bảo hộ chợ nổi, như khi đưa du khách đến các điểm tham quan phải mua vé vào cổng hoặc đóng góp vào quỹ trùng tu tôn tạo. Nếu có thêm khoản thu từ du khách thì chính quyền địa phương sẽ có thêm nguồn kinh phí để đầu tư, phát triển chợ nổi Cái Bè tốt hơn.

- Đối với các chủ ghe, xuồng đang mua bán trên chợ nổi, ngoài mua bán những sản phẩm nông sản truyền thống thì cần nghiên cứu nhu cầu của khách du lịch, có thể bổ sung thêm một số mặt hàng mới như hàng lưu niệm, bánh kẹo... của địa phương để hàng hóa ngày càng trở nên phong phú và hấp dẫn hơn.

NGUYỄN NGỌC MINH

(Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tiền Giang)

.
.
Liên kết hữu ích
  • Đặt SIM du lịch Gohub trên Traveloka
Bảng giá box phone mới nhất Máy làm mát công nghiệp HN
.