Thứ Sáu, 27/07/2018, 11:08 (GMT+7)
.

Quản trang - công việc nghĩa tình

Giữa cuộc sống bộn bề đã có những người đang lặng lẽ, âm thầm làm một nghề mà không mấy ai biết tới, đó là nghề quản trang (trông coi nghĩa trang liệt sĩ).

Quản trang là một công việc rất đỗi bình thường nhưng với nhiều người chọn làm công việc này bằng cả lòng tôn kính để tri ân, báo đáp công lao những liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do dân tộc.

Chị Nguyễn Kim Hương gắn bó với nghề quản trang bằng cả lòng tôn kính để tri ân, báo đáp công lao của những liệt sĩ.
Chị Nguyễn Kim Hương gắn bó với nghề quản trang bằng cả lòng tôn kính để tri ân, báo đáp công lao của những liệt sĩ.

Hơn 20 năm qua, người dân sống cạnh Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Gò Công Tây đã quá quen với hình ảnh chị Nguyễn Kim Hương, người quản trang với những công việc thầm lặng, không tên tại nghĩa trang.

Chị Hương cho biết, chị cùng chồng (là bộ độ xuất ngũ) bắt đầu làm quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Gò Công Tây từ năm 1995.

Tuy nhiên, vào đầu năm 2018, chồng chị qua đời sau cơn bệnh nặng, chỉ còn lại một mình chị làm quản trang, một công việc đòi hỏi cái tâm, sự tự nguyện nhiều hơn là nguồn thu nhập.

Thế nhưng, chị Hương vẫn cần mẫn, miệt mài với công việc. “Hơn 20 năm, cái nghiệp quản trang đã dấn vào thân rồi, không thể bỏ được".

"Các Anh hùng liệt sĩ đã không tiếc xương máu, hy sinh vì nền độc lập tự do cho Tổ quốc thì giờ mình làm công việc chăm lo nơi yên nghỉ của họ cũng là một việc làm đền ơn đáp nghĩa, làm vơi bớt đi phần nào nỗi đau của những người mẹ, người vợ mà không thể lấy bất kỳ thứ vật chất gì có thể đền đáp được".

"Chính vì thế, tôi cảm thấy rất tự hào với công việc quản trang và sẽ luôn gắn bó với nó cho đến khi nào mà mình không còn khả năng công tác được nữa” - chị Hương chia sẻ.

Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Gò Công Tây tọa lạc tại thị trấn Vĩnh Bình, có diện tích rộng hơn 3.000 m2.  Tính đến thời điểm này, nghĩa trang đã quy tập 1.011 phần mộ liệt sĩ, trong đó có 300 phần mộ chưa rõ họ tên. Công việc hằng ngày của chị Hương là chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc vườn hoa cây cảnh; tiếp đón thân nhân của các liệt sĩ từ mọi miền đất nước…

Chị Hương cho biết, khuôn viên nghĩa trang khá rộng nên hầu như ngày nào chị cũng phải dậy từ sớm để kịp dọn dẹp, trang hoàng. Đặc biệt là những khi lễ, tết các phần mộ liệt sĩ nơi đây cần phải được vệ sinh lau chùi, sạch đẹp hơn để đón những thân nhân của các liệt sĩ, chính quyền địa phương cùng các đoàn đến viếng.

Còn anh Nguyễn Văn Non đã có hơn 10 năm “canh giấc” cho các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Hầu như ngày nào anh Non cũng có mặt tại nghĩa trang để làm việc.

Bất kể trời nắng hay mưa, anh Non cùng các đồng nghiệp vẫn phải quét dọn, lau chùi các phần mộ liệt sĩ và chăm sóc cây xanh tại nghĩa trang.

Do đó, anh Non gần như thuộc hết tên, quê quán và vị trí của từng ngôi mộ. Khi có thân nhân liệt sĩ đến thăm các phần mộ là anh Non chỉ dẫn tìm kiếm một cách nhanh chóng.

Ông Trịnh Đức Huynh (TP. Buôn Ma Thuột) vừa vượt hàng trăm cây số đến Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh để cải táng hài cốt của người thân về quê nhà sau hơn 40 năm nằm lại tại nghĩa trang này.

Ông Huynh cho biết: “Do điều kiện đi lại xa xôi nên mỗi năm gia đình đến đây thắp hương, dọn dẹp phần mộ chỉ được 2 lần.

Tất cả việc chăm sóc phần mộ, gia đình đều phải trông cậy hết vào chỗ anh em quản trang của nghĩa trang.

Mỗi lần đến đều thấy phần mộ của người thân luôn gọn gàng, sạch sẽ, gia đình tôi cảm thấy ấm lòng và cũng rất cám ơn các anh quản trang đã chăm sóc phần mộ chu đáo trong thời gian qua”.

Anh Non cho biết, hằng năm có rất nhiều gia đình tới nghĩa trang để tìm mộ người thân, có những gia đình tìm được phần mộ nhưng cũng không ít trường hợp phải ngậm ngùi ra về trong nước mắt, vì không tìm thấy phần mộ người thân của mình.

Với những phần mộ chưa rõ họ tên, anh và các đồng nghiệp vẫn luôn chăm sóc chu đáo, tỉ mỉ để vong linh của các liệt sĩ được an lòng.

“Mặc dù được chôn cất ở nghĩa trang là các anh được bao bọc trong tình đất nước, nhưng chưa được gần gũi với gia đình, quê hương. Do đó, tôi cũng như những người làm công tác quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh vẫn đang chờ đợi ngày trở về với gia đình của các anh” - anh Non bày tỏ.

Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Nguyễn Văn Máy cho biết, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh rộng khoảng 4 ha, là nơi quy tập của 7.117 phần mộ liệt sĩ, trong đó có trên 4.000 phần mộ chưa rõ họ tên. Tại nghĩa trang, hiện có 12 người làm công việc quản trang.

Người gắn bó lâu nhất ở đây cũng hơn 10 năm và người mới vào làm công việc quản trang cũng chỉ mới vài tháng. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả họ đều có điểm chung chính là lòng yêu công việc và làm nghề bằng cả cái tâm.

Không riêng gì chị Hương, anh Non mà trên địa bàn tỉnh hiện nay còn rất nhiều người làm nghề quản trang, ngày đêm thầm lặng chăm lo cho các phần mộ liệt sĩ. Với họ dù thu nhập không cao, cuộc sống còn bấp bênh nhưng họ vẫn vẹn nguyên tình yêu với nghề và nguyện gắn bó với việc nghĩa tình này.

ĐỖ PHI
 

.
.
.