Thứ Hai, 23/07/2018, 19:48 (GMT+7)
.

Tập trung gỡ khó cho công tác gia đình

Công tác gia đình (CTGĐ) và phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được Ban Chỉ đạo CTGĐ tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần kéo giảm tình trạng BLGĐ.

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động trên lĩnh vực này và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, CTGĐ ở cơ sở hiện vẫn gặp không ít khó khăn, hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội  của HĐND tỉnh về CTGĐ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh về CTGĐ.

KÉO GIẢM TÌNH TRẠNG BLGĐ

Với trách nhiệm giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về gia đình và PCBLGĐ, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác này.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CTGĐ tỉnh, Sở VH-TT&DL và các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến về CTGĐ và PCBLGĐ đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, tác động tích cực đến nhận thức và hành động của các hộ gia đình và các thành viên trong gia đình.

Song song đó, Ban Chỉ đạo CTGĐ tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các địa phương, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ lồng ghép các hoạt động tại cộng đồng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, người thân trong gia đình quan tâm xây dựng và giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp, phát huy những giá trị tiên tiến của gia đình Việt Nam bằng nhiều hình thức (đỡ đầu, hướng dẫn phương thức làm ăn, hỗ trợ vốn...) cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo các địa phương thực hiện mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình phát triển bền vững” gắn với xây dựng Đội PCBLGĐ ở đều khắp các địa phương và 115 đơn vị cấp xã, với tổng số 684 CLB, thu hút 13.680 thành viên tham gia.

Thông qua mô hình này đã giúp người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của gia đình, thực hiện tốt Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới..., từng bước giảm thiểu các vụ BLGĐ. Điển hình như, tại huyện Gò Công Tây, công tác PCBLGĐ có bước chuyển biến tích cực, thể hiện số vụ BLGĐ đã giảm dần hằng năm, cụ thể: Năm 2015: 6 vụ, năm 2016: 1 vụ, năm 2017 không có vụ nào.

Ở huyện Tân Phước, từ năm 2015 đến nay, huyện chưa phát hiện vụ BLGĐ nghiêm trọng phải xử lý hình sự; tuy nhiên, đã có 31 trường hợp BLGĐ xảy ra, chủ yếu do bất đồng trong cách sống, trong đó có 27 vụ đã được hòa giải thành và 4 vụ bị xử phạt hành chính.

Có thể thấy, nhân dân ngày càng đề cao ý thức trong việc xây dựng gia đình hòa thuận, ấm no, tiến bộ và hạnh phúc; tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được nhân dân quan tâm, ủng hộ, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và BLGĐ...

CÒN NHIỀU HẠN CHẾ, BẤT CẬP

Bên cạnh những mặt tích cực, CTGĐ vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Về vấn đề này, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH-TT&DL Lê Thanh Lan cho biết: “Hiện nay, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm CTGĐ ở cơ sở còn nhiều khó khăn, chủ yếu là cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội được phân công kiêm nhiệm CTGĐ và có nơi không có cộng tác viên (CTV) hoặc rất ít CTV. Mặt khác, phụ cấp thì ít ỏi hoặc không có phụ cấp, khiến mạng lưới CTV hoạt động không ổn định, thay đổi thường xuyên, ảnh hưởng đến chất lượng CTGĐ ở cơ sở”.

Còn theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gò Công Tây Lê Nhất Nam: “Mặc dù CTGĐ đã có nhiều kết quả tích cực nhưng hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn, trong đó có 2 cái khó lớn nhất là nguồn kinh phí cho CTGĐ không có định mức kinh phí riêng, chỉ cân đối từ kinh phí sự nghiệp văn hóa, không đủ để tổ chức các hoạt động liên quan và cán bộ làm CTGĐ ở cấp xã đều phải kiêm nhiệm, nên việc thu thập thông tin, nắm bắt tình hình về CTGĐ chưa sâu sát, kịp thời...”. Khó khăn của huyện Gò Công Tây cũng là khó khăn chung của các địa phương khác trong tỉnh.

GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh có đợt giám sát việc thực hiện CTGĐ tại một số địa phương, cơ sở. Tại đợt giám sát này, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Văn Dũng cho biết: “CTGĐ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng gia đình hòa thuận, ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc quản lý nhà nước cũng như triển khai các hoạt động về CTGĐ còn gặp nhiều khó khăn, cần được các cấp, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa. Ban Chỉ đạo CTGĐ tỉnh sẽ sớm tham mưu với UBND tỉnh tháo gỡ 2 khó khăn lớn về nguồn nhân lực và kinh phí thực hiện CTGĐ ở các cấp...”.

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh về CTGĐ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức đã ghi nhận những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong thời gian qua và nhấn mạnh: Để làm tốt hơn nữa CTGĐ và PCBLGĐ trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững”.

Đồng chí yêu cầu Sở VH-TT&DL phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn kiện toàn đội ngũ làm CTGĐ từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, Sở VH-TT&DL tham mưu xây dựng lực lượng CTV gia đình và xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho CTV gia đình ở cơ sở trên địa bàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua; tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tham mưu, thực hiện nhiệm vụ CTGĐ. Giao Sở Tài chính phối hợp với Sở VH-TT&DL hướng dẫn kinh phí thực hiện CTGĐ các cấp đảm bảo hoạt động theo chỉ đạo của trung ương và của tỉnh...

HOÀI THU

.
.
.