Cử tri lo lắng khi giá nông sản sụt giảm
Tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh và huyện Chợ Gạo vào ngày 8 và 10-8 vừa qua, cử tri huyện Chợ Gạo quan tâm nhiều đến giá một số nông sản chủ lực của huyện xuống thấp, triều cường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Người dân nên trồng thanh long theo tiêu chuẩn GAP để trái thanh long có giá ổn định. |
BẤP BÊNH GIÁ THANH LONG VÀ DỪA KHÔ
Cử tri Nguyễn Thị Ngọc Em, ấp Nhơn Hòa, xã Hòa Định trăn trở: “Thời gian gần đây, dừa khô rớt giá thảm hại, hiện chỉ còn 30.000đồng/chục 12 trái. Nguồn thu nhập của người dân xã Hòa Định và các xã lân cận như Xuân Đông, Bình Ninh, An Thạnh Thủy chủ yếu từ cây dừa, trước tình trạng giá dừa khô xuống thấp, người dân rất lo lắng và không biết có nên đốn dừa trồng cây khác? Rất mong các cấp, các ngành có sự định hướng cho người dân nên trồng cây gì, cũng như có giải pháp tạo đầu ra cho trái dừa khô để nông dân an tâm sản xuất”.
Đối với cử tri các xã phía Tây của huyện Chợ Gạo thì lo lắng giá thanh long không ổn định. Cử tri Huỳnh Văn Hừng, ấp Long Thạnh, xã Quơn Long cho biết, hiện xã Quơn Long có hơn 90% diện tích đất nông nghiệp đã trồng thanh long. Không riêng gì Quơn Long, ở các xã khác như: Tân Thuận Bình, Mỹ Tịnh An, Đăng Hưng Phước…, đa số nông dân đã chuyển sang trồng thanh long.
Trong khi đó, giá thanh long thời gian qua khá bấp bênh, nhất là thanh long ruột trắng, vì thế người dân mong muốn tỉnh, huyện kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trái thanh long trên địa bàn xã hoặc huyện, nhằm giải quyết lượng lớn trái thanh long “dạt” không xuất khẩu được.
Trả lời những trăn trở về giá thanh long và giá dừa khô của cử tri, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Lê Văn Mỹ cho biết, huyện đã và sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trái thanh long.
Bên cạnh đó, để đầu ra cho trái thanh long ổn định, nông dân cần phải trồng thanh long theo tiêu chuẩn GAP. Theo đó, người dân cần nhận thức rằng, trồng theo GAP không phải để bán giá cao, mà để bán được và bền vững.
Hiện huyện đang hướng dẫn người dân của 18 xã trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có hơn 2.000 ha thanh long trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đối với sản phẩm dừa khô, huyện cũng đã có Đề án cải tạo vườn dừa cho các xã phía Đông; đồng thời, đã kêu gọi được nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ dừa tại xã Bình Ninh. Từ đó, huyện hy vọng rằng, trong thời gian tới giá dừa khô sẽ được cải thiện, đầu ra cho trái dừa sẽ ổn định.
SỚM THI CÔNG TUYẾN ĐÊ SÔNG TIỀN
Vừa qua, do triều cường nên tuyến đê sông Tiền giữa xã Hòa Định và Xuân Đông dài khoảng 4 km bị ngập nặng. Người dân sống ven đê khu vực trên cho biết, trước đây cũng đã từng xảy ra tình trạng ngập úng do triều cường nhưng không nặng bằng năm nay. Đợt triều cường vừa qua đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoa màu, chăn nuôi cũng như đi lại của người dân.
Cử tri Nguyễn Thành Dũng, xã Hòa Định bức xúc: “Đây là vấn đề đã được người dân 2 xã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Rất mong các cấp, các ngành có liên quan sớm gia cố tuyến đê này để người dân thuận tiện trong việc đi lại và an tâm sản xuất”.
Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Phạm Văn Tiếu cho biết, triều cường vừa qua đã gây ngập nặng ở đoạn đê sông Tiền từ xã Hòa Định đến Xuân Đông và đã có trại gà ở xã Hòa Định bị chết hơn 20.000 con do bị nước ngập.
Chống ngập cho khu vực này là mong muốn chính đáng của cử tri nên đoạn đê nơi đây cần được đầu tư sớm để bảo vệ sản xuất, đảm bảo sinh hoạt của người dân.
Hiện tỉnh đã cho chủ trương đầu tư đoạn đê trên, đơn vị liên quan đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế để xây dựng đoạn đê từ Bến đò Hòa Định (qua huyện Bình Đại của tỉnh Bến Tre) đến kinh Ngang thuộc xã Xuân Đông. Dự kiến trong quý 4-2018, đoạn đê này sẽ được thi công, với tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng.
P. MAI