Đảm bảo nguồn nhân lực phát triển kinh tế biển
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao nhận thức, đáp ứng nhu cầu phát triển cho khu vực ven biển, trong đó có Tiền Giang.
Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành đang chú trọng công tác đào tạo nguồn lực cho khu vực ven biển. |
1. Với lợi thế tiếp giáp với biển, Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành khác bên cạnh chú trọng khai thác các lợi thế từ biển, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của vùng ven biển cũng là nhiệm vụ quan trọng.
Nhờ đó, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực biển đã có bước chuyển biến tích cực. Theo đó, mạng lưới cơ sở đào tạo nghề các huyện phía Đông đã được đầu tư, nâng cấp, gồm: Trường Trung cấp Nghề khu vực Gò Công, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông.
Các cơ sở này chủ yếu đào tạo các nghề: Điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, hàn, cắt gọt kim loại, quản trị mạng máy tính… nhằm phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng kinh tế khu vực phía Đông của tỉnh.
Bên cạnh chú trọng đào tạo nguồn lực, việc đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề cũng đã được các bộ, ngành và địa phương quan tâm.
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ghi vốn từ nguồn ngân sách của địa phương và Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy nghề như: Điện công nghiệp, cơ điện lạnh thủy sản, hàn, sửa chữa máy nổ, cắt gọt kim loại…
Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn ghi vốn cho Trường Trung cấp Nghề khu vực Gò Công và Trường Trung cấp Nghề Giao thông vận tải Tiền Giang đầu tư thiết bị các nghề trọng điểm phục vụ kinh tế biển.
Theo đó, ngoài đào tạo trình độ trung cấp, các trường này còn đào tạo các nghề sơ cấp và đào tạo thường xuyên: Thuyền trưởng, máy trưởng các hạng; vận hành, khai thác, sửa chữa các phương tiện trên tàu… cho người lao động tham gia hoạt động kinh tế biển thạo nghề biển, gắn bó với biển.
Bên cạnh hỗ trợ đầu tư thiết bị cho các cơ sở dạy nghề, tỉnh triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên theo Quyết định 46 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có ngư dân bám biển.
Chưa kể, tỉnh cũng đã thực hiện hoàn thành Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 theo Quyết định 20 ngày 1-2-2008 của Thủ tướng Chính phủ, với 1.836 phòng học và 114 nhà công vụ giáo viên được xây mới; đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia tại các huyện Gò Công Đông (11 trường), huyện Tân Phú Đông (2 trường) và TX. Gò Công (3 trường).
Với các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn của địa phương và nguồn vốn huy động khác, ngành Giáo dục và Đào tạo đã trang bị 288 phòng máy vi tính cho giáo dục mầm non và phổ thông, với số lượng 6.891 máy vi tính, 288 máy in và các thiết bị nối mạng cho phòng máy 1.903 máy chiếu kết nối với máy vi tính được lắp đặt cố định tại các phòng học cho các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp...
Đảm bảo cuộc sống ổn định, bền vững cho người dân ven biển là yếu tố quan trọng. |
2. Song song với công tác đào tạo nguồn lực biển, công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến thông tin về biển, đảo cũng được tỉnh chú trọng, tập trung vào: Luật Biển Việt Nam, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, Nghị định 161 ngày 18-12-2003 của Chính phủ về quy chế biên giới biển, Luật Biển Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đời sống của người dân ven biển.
Mới đây nhất là tỉnh tập trung tuyên truyền để ngành Thủy sản của Tiền Giang đang nỗ lực vượt qua “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC). Bởi, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) gần đây cho thấy, Tiền Giang hiện có hơn 1.400 tàu khai thác, với công suất hơn 527.000 CV và hơn 9.800 ngư dân đang hoạt động trực tiếp trên các tàu cá.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trịnh Công Minh, để thực hiện Chỉ thị 689 ngày 18-5-2010, Công điện 732 ngày 28-5-2017 và Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; đăng ký, đăng kiểm và cấp phép hoạt động cho tàu cá, ngành Nông nghiệp còn tăng cường quản lý công tác lắp đặt thiết bị giám sát hoạt động khai thác của tàu cá.
Theo đó, đến đầu tháng 8-2018, có 284 tàu cá được trang bị máy VX 1700 (máy thông tin liên lạc tầm xa sóng HF, có tích hợp thiết bị định vị GPS). Đồng thời, lãnh đạo Sở NN-PTNT cũng chỉ đạo Chi cục Thủy sản đẩy nhanh việc kiểm tra, rà soát đối với 93 tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (Movimar) để có thể điều chuyển cho các tàu cá khác theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.
Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 45, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan tập trung thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác hải sản không theo đúng quy định.
Nhờ đó, nhận thức của chủ tàu, ngư dân đã có những chuyển biến tích cực. Khi đề cập đến những quy định của EC, ông Nguyễn Văn Như, chủ tàu cá ở phường 2, TP. Mỹ Tho cho biết, nhờ chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, của tỉnh, những người tham gia khai thác hải sản trên biển đã hiểu rõ hơn các quy định về khai thác bất hợp pháp.
“Chắc chắn những tàu cá phải tuân thủ theo quy định chung của EC để hoạt động khai thác hải sản được an toàn và phát triển bền vững hơn” - ông Như cho biết.
A.P