Ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam
Sáng ngày 14-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành phố triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ thu đông và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chủ trì.
Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bản chất của vi rút gây bệnh không tự lây lan, phát tán nhanh so với một số mầm bệnh khác như vi rút gây bệnh lở mồm long móng, tai xanh trên lợn, dịch tả lợn cổ điển...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến. (ảnh chụp qua màn hình trực tuyến) |
Các nước đã từng có dịch đã chỉ rõ bệnh dịch tả châu Phi lây lan chủ yếu do có yếu tố con người tác động như: Vận chuyển lợn và các sản phẩm bệnh, nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác... Hiện chưa có vắc xin, thuốc điều trị. Vì vậy, hiện nay, giải pháp phòng bệnh là chính. Trong trường hợp phát hiện lợn mắc bệnh, cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Bệnh dịch tả châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương. (ảnh chụp qua màn hình trực tuyến) |
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10-9-2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con. Cũng theo OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ đầu tháng 8-2018 đến ngày 9-9-2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Theo báo cáo tóm tắt của Bộ NN&PTNT, năm 2017, chăn nuôi lợn tại Việt Nam đứng thứ 7 thế giới, với tổng đàn lợn cả nước là 27,4 triệu con, giảm 5,7% và tổng số lợn thịt xuất chuồng đạt 49,1 triệu con, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2016; Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 3,74 triệu tấn tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng Quý I/2018 đạt khoảng 1.026 nghìn tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ; Quý II/2018, sản lượng đạt khoảng 830 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang. |
Trong 8 tháng đầu năm 2018, trên phạm vi toàn quốc chỉ có 4 ổ dịch Cúm gia cầm do vi rút cúm A/H5N6 gây ra, số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là 13.215 con; xảy ra 9 ổ dịch lở mồm long móng típ O làm 612 con gia súc mắc bệnh; 1 ổ dịch tai xanh với 20 con lợn bị mắc bệnh; 1 ổ dịch dại trên đàn chó…
Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, các địa phương phải hành động quyết liệt, không được chủ quan với bệnh dịch, chủ động nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời cung cấp cho địa phương, người dân và hộ chăn nuôi, từ đó tổ chức các biện pháp hành động. Đồng thời, nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu; giám sát chặt chẽ, không để lây nhiễm qua đường biên giới. Các địa phương phải tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam.
VĂN THẢO
.