Thứ Tư, 24/10/2018, 14:00 (GMT+7)
.
CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY TỈNH:

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Trong thời gian qua, việc thực hiện Quy chế phối hợp lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Quy chế phối hợp) vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhân lực làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (gọi tắt là Cơ sở) trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) còn thiếu, không tuyển dụng được lao động; mức lương chi trả cho người công tác tại Cơ sở còn thấp so với môi trường làm việc rất nguy hiểm.

Học viên đang lao động trị liệu tại Cơ sở.
Học viên đang lao động trị liệu tại Cơ sở.

ĐIỂM MỚI TRONG XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG

Trong 8 tháng của năm 2018, Cơ sở đã tiếp nhận, quản lý, tổ chức cai nghiện bắt buộc cho 648 đối tượng, giải quyết ra Cơ sở cho 127 đối tượng (trong đó có 15 đối tượng có hộ khẩu ngoài tỉnh).
Việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

Tòa án chỉ xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi đối tượng bị áp dụng thỏa một trong các điều kiện: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định.

Trong thời gian qua, việc thực hiện Quy chế phối hợp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do việc xác định nơi cư trú của đối tượng còn có nơi chưa thống nhất về cách xác định nơi cư trú theo không gian, thời gian. Việc phát hiện và thử test với kết quả dương tính vẫn chưa đủ cơ sở để kết luận người đó là nghiện ma túy.

Để biết người đó có nghiện ma túy hay không phải có kết quả xác định tình trạng nghiện của cơ quan y tế. Việc đưa đối tượng đến trung tâm y tế huyện để xác định tình trạng nghiện có nơi còn gặp khó khăn, đôi lúc trung tâm y tế huyện không có test thử.

Vừa qua, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị sơ kết và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp trong thời gian tới có điểm mới: Đối với các đối tượng nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, ngay sau khi bị phát hiện, cơ quan chức năng lập biên bản hành chính về hành vi sử dụng ma túy kèm kết quả test thử của cơ quan lập hồ sơ thì được đưa đến Cơ sở tạm gửi và Cơ sở thực hiện luôn việc xác định tình trạng nghiện ma túy (không đưa đến cơ sở y tế cấp huyện). Nếu qua khám lâm sàng, xác định đối tượng dương tính với nhóm Amphetamine (còn gọi là ma túy tổng hợp) thì Cơ sở phối hợp với Công an huyện Châu Thành đưa đối tượng đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh để xác định tình trạng nghiện...

Theo số liệu của Công an tỉnh, tính đến ngày 15-8-2018, toàn tỉnh có 4.966 người nghiện ma túy (trong đó có 4.770 nam và 196 nữ), tăng 826 người nghiện so với tháng 11-2017 (có 4.140 người nghiện ma túy). Trong đó, đang ở nơi cư trú là 3.992 người (có 3.829 nam, 163 nữ); có 221/3.992 người đang tham gia điều trị bằng methadone; 304 người đang bị tạm giam, tạm giữ; đang cai nghiện tại Cơ sở 670 người (648 người cai nghiện bắt buộc, 6 người cai nghiện tự nguyện và 16 người lưu trú khu ở xã hội).

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phạm Thương Tý cho biết, việc thực hiện Quy chế phối hợp sẽ giúp công tác phối hợp giữa các ngành trong quá trình lập hồ sơ đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, ngành Y tế tích cực, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với ngành Công an và các địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định tình trạng nghiện cho đối tượng nhằm phục vụ tốt cho công tác hoàn thiện hồ sơ; đưa được người nghiện vào Cơ sở để tổ chức cai nghiện, cách ly người nghiện với môi trường có ma túy, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn dân cư.

NHIỀU GIẢI PHÁP THÁO GỠ

Trong thời gian qua, đã có trường hợp Cơ sở bị các đối tượng đập phá, bỏ trốn; nhân lực làm việc tại Cơ sở còn thiếu, không tuyển dụng được lao động; mức lương chi trả cho người công tác tại Cơ sở còn thấp so với môi trường làm việc rất nguy hiểm, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, người nghiện ma túy và nhiều bệnh xã hội, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như lao, HIV/AIDS…

Mặc dù đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư sửa chữa nâng cấp Cơ sở; tuy nhiên, với số lượng người nghiện hiện đang quản lý, tổ chức cai nghiện tại Cơ sở hiện nay cao hơn nhiều lần so với khả năng hiện có.

Về cán bộ, viên chức và người lao động làm việc tại Cơ sở là 53 người (31 biên chế, 22 hợp đồng theo Nghị định 68 của Chính phủ), quản lý hơn 650 đối tượng (bình quân 1 cán bộ quản lý đến 13 đối tượng).

Trong khi đó, theo Thông tư liên tịch 21/2008 giữa Bộ LĐ-BT&XH và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và định mức biên chế của các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội đã  quy định Trung tâm có từ 500 đối tượng trở lên thì định mức được xác định 1 biên chế quản lý từ 8 - 9 đối tượng.  Như vậy, nhân sự tại Cơ sở hiện đang thiếu.

UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục đầu tư kinh phí nâng cấp, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất của Cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, điều trị nghiện với các hình thức theo hướng dẫn của Trung ương. Cụ thể, đang tiến hành quy hoạch và mở rộng thêm khu mới để tổ chức cai nghiện cho khoảng 1.000 đối tượng.

Tiếp tục kiện toàn, xin bổ sung thêm biên chế cho Cơ sở, đặc biệt là bác sĩ, cơ sở vật chất, trang thiết bị đủ chuẩn làm cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định và đã được UBND tỉnh chấp thuận cho làm các thủ tục để tuyển thêm 28 biên chế.

Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức của Cơ sở, từng bước nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tại Cơ sở. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Trường Đại học Lao động - Xã hội (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức xong lớp bồi dưỡng kỹ năng và quy trình quản lý ca, quản lý người sử dụng ma túy cho cán bộ, nhân viên Cơ sở.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phạm Thương Tý cho biết thêm, Sở LĐ-TB&XH nghiên cứu, đề xuất tổ chức thí điểm 1 mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng tại 1 xã có nhiều người nghiện ma túy.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tại 3 điểm tư vấn hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng nhằm trực tiếp vận động, hỗ trợ, tư vấn cho người nghiện lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp.

Đối với công tác cai nghiện ma túy bắt buộc tại Cơ sở, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục xin đầu tư kinh phí sửa chữa nâng cấp, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất của Cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, điều trị nghiện; liên kết mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho người nghiện đang cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện, với quan điểm học nghề gắn với lao động trị liệu, nhằm trang bị cho người sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện có kỹ năng sống, có kiến thức về tác hại của ma túy nhằm phòng, chống tái nghiện; đồng thời, tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức của Cơ sở, từng bước nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tại Cơ sở.

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa IX đã thông qua Nghị quyết Quy định mức trợ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Cơ sở. Mức trợ cấp đặc thù hằng tháng bằng 1.2 lần mức lương cơ sở theo quy định hiện hành của Chính phủ.

VĂN THẢO

.
.
Liên kết hữu ích
.