Thứ Bảy, 10/11/2018, 17:01 (GMT+7)
.
CÁC HUYỆN PHÍA TÂY:

Nỗ lực ứng phó với triều cường và sạt lở

Sạt lở, vỡ đê là nỗi lo của người dân sinh sống ven sông, kinh, rạch trong những ngày qua, nhất là khi triều cường dâng cao. Vì vậy, các địa phương đang khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở; đồng thời, chủ động ứng phó với triều cường.

Điểm sạt lở chưa được khắc phục ở ấp 3, xã Phú An.
Điểm sạt lở chưa được khắc phục ở ấp 3, xã Phú An.

Xã Tân Phong (huyện Cai Lậy) là một trong những nơi sạt lở diễn ra nghiêm trọng trong thời gian qua. Khoảng 5 năm trở lại đây, người dân ở các khu vực ven sông, kinh, rạch phải sống trong cảnh thấp thỏm, nhất là khi triều cường dâng cao. Chị Võ Thị Kim Phùng, ấp Tân Thiện cho biết, trước đây nhà chị cách bờ sông 50 m nhưng đến nay nơi sạt lở đã đến sát nhà.

Cùng hoàn cảnh của chị Kim Phùng, anh Trần Công Danh cho biết, vì sợ bị sạt lở nên anh đã phải cắt đi phần nhà sau để đảm bảo an toàn cho phần nhà còn lại. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Diện (67 tuổi) cho biết, mỗi khi triều cường là gia đình bà sống trong nỗi lo và thấp thỏm.

Theo thống kê của UBND xã Tân Phong, ấp Tân Thiện có 14 điểm sạt lở. Thời gian qua, chính quyền xã đã chủ động khắc phục các thiệt hại do sạt lở gây ra; đồng thời, kiến nghị huyện xử lý những điểm sạt lở nằm ngoài khả năng xử lý của xã.

Trước tình trạng sạt lở nghiệm trọng ở cù lao Tân Phong, UBND tỉnh Tiền Giang đã đồng ý cho thi công khẩn cấp công trình kè chống sạt lở một đoạn đê sông Tiền đang có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Theo đó, xã Tân Phong sẽ tiến hành thi công công trình kè chống sạt lở đoạn đê có chiều dài khoảng 210 m, kết cấu kè cừ tràm, cách đê cũ 2 m về phía đất liền, với tổng kinh phí khoảng 470 triệu đồng.

Tại xã Phú An (huyện Cai Lậy), xã cũng đang khẩn trương khắc phục điểm sạt lở ở ấp 5 với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. Ngoài ra, xã còn 1 điểm sạt lở chưa được xử lý ở ấp 3.

Còn theo ước tính khoảng 3 năm trở lại đây, toàn xã Phú An có 16 điểm sạt lở; trong đó riêng trong năm 2018 có 4 điểm sạt lở. Vụ sạt lở nghiêm trọng gần nhất đã làm 1 căn nhà và đoạn đường giao thông dài gần 10 m sụp gây ảnh hưởng đến 3 hộ dân lân cận.

Chủ động ứng phó sạt lở khi triều cường dâng cao, xã Phú An đã thành lập Đội thanh niên xung kích ở từng ấp ứng phó khi xảy ra sự cố (hoặc hỗ trợ xã khác khi có yêu cầu của huyện). Xã cũng thường xuyên kiểm tra các đoạn đê có nguy cơ bị sạt lở và thi công các cống đập để bảo vệ vườn cây ăn trái và tài sản của nhân dân...

Theo đánh giá, tình hình sạt lở trên địa bàn huyện Cai Lậy diễn biến phức tạp. Vì thế, thời gian qua huyện đã chủ động gia cố, nhưng sạt lở tiếp tục diễn ra làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Hiện nay, các ngành chức năng huyện Cai Lậy đang khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở, giúp người dân ổn định sản xuất, sinh hoạt.

Trong khi đó, tại xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè) trong 3 năm trở lại đây đã có 10 điểm sạt lở; riêng năm 2018 có 2 điểm sạt lở với chiều dài trên 10 m. Nhằm chủ động ứng phó với triều cường, xã đã cử cán bộ kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở để có biện pháp củng cố, phòng ngừa kịp thời.

Các điểm sạt lở trước đây chưa gây thiệt hại về người nhưng xã vẫn đề phòng, chủ động ứng phó, nhất là vào các đợt triều cường. Theo đó, xã cử cán bộ thường xuyên đến kiểm tra những điểm có nguy cơ sạt lở; đồng thời, hỗ trợ nhân dân gia cố các tuyến đê.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH) huyện Cái Bè, toàn huyện có 47 điểm sạt lở từ 10 - 50 m, với tổng chiều dài 1.110 m; 236 điểm sạt lở dưới 10 m, với chiều dài 1.770 m.

Thời gian qua, BCH huyện Cái Bè đã cơ bản khắc phục các sự cố do triều cường và sạt lở gây ra, đã triển khai xử lý tổng số 47 điểm sạt lở, dời 10 tuyến đê, sửa chữa 1 cống và 20 cửa cống…

Đối với công tác bảo vệ diện tích đất canh tác của người dân trước triều cường, BCH huyện Cái Bè đã tham mưu UBND huyện xây dựng các văn bản chỉ đạo BCH các xã và thị trấn triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục lũ, triều cường.

Đồng thời, BCH huyện đề xuất UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch bố trí nguồn kinh phí dự phòng bổ sung cho cấp xã đối với công tác gia cố đê bao, cống, đập, đập tạm; đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí cho huyện để gia cố các tuyến đê bao lớn...

QUỐC TUẤN

.
.
.