Doanh nghiệp báo cáo về thưởng Tết và nợ lương trước ngày 20-12
Theo nhiều chuyên gia, thưởng Tết khu vực tư nhân và FDI sẽ cao hơn khu vực nhà nước, tuy nhiên về tổng thể sẽ không có nhiều đột biến so với mức thưởng năm 2018.
Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) vừa đề nghị Sở LĐ-TB&XH trên cả nước thống kê kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán, Tết dương lịch 2019.
Các thống kê về mức thưởng, tiền lương và nợ lương sẽ được gửi về để đơn vị tổng hợp trước ngày 20-12.
Các thống kê về mức thưởng, tiền lương và nợ lương sẽ được gửi về để đơn vị tổng hợp trước ngày 20-12. |
Những căn cứ thưởng Tết
Theo đó, việc khảo sát tập trung chủ yếu ở 4 nhóm doanh nghiệp đang thu hút phần lớn người lao động , gồm: Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100 % vốn; Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; doanh nghiệp FDI; doanh nghiệp dân doanh.
Trong đó, về nội dung khảo sát tiền lương năm 2018, đơn vị này đề nghị các Sở LĐ-TB&XH tập trung thống kê tiền lương năm 2018, gồm: Số lao động trong doanh nghiệp; mức lương cao nhất, thấp nhất và trung bình.
Theo quy định hiện hành của Bộ Luật Lao động 2012, tiền thưởng Tết không mang tính bắt buộc mà phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ hoàn thành công việc của từng người lao động.
Như vậy, tiền thưởng Tết Nguyên đán sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động với doanh nghiệp thông qua Quy chế khen, thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc và có sự tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Trên thực tế, một số hình thức thưởng Tết mà các doanh nghiệp Việt Nam thường thực hiện đó là: Thưởng theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp; Thưởng theo kết quả công việc của người lao động; Thưởng lương tháng 13 theo xếp loại công việc/phòng ban hoặc theo mức lương thực nhận mỗi tháng.
Ngoài ra, thâm niên công tác tại doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng để xác định thưởng Tết. Các doanh nghiệp cũng có thể kết hợp nhiều yếu tố nói trên để xác định mức thưởng Tết cho người lao động của mình.
Không nhiều đột biến
Chia sẻ với DĐDN, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định, trong tình hình kinh tế hiện nay, mức thưởng Tết 2019 của doanh nghiệp sẽ không có nhiều đột biến so với năm Tết 2018.
Ông Huân cho biết thêm, đa số doanh nghiệp sẽ áp dụng việc thưởng tháng lương thứ 13 và có thể bổ sung khoản thưởng theo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Không phải là tất cả nhưng số liệu điều tra các năm thường cho thấy doanh nghiệp tư nhân và đặc biệt là doanh nghiệp FDI có mức thưởng Tết cao hơn cho những cá nhân có đóng góp lớn so với khu vực doanh nghiệp nhà nước có mức thưởng sàn đồng đều hay theo thâm niên”, ông Huân cho biết.
Với kế hoạch thưởng Tết dương lịch năm 2019, mục tiêu thống kê của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương cũng hướng tới số lao động trong doanh nghiệp, mức tiền thưởng cao nhất, thấp nhất và trung bình.
Đối với mức tiền thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Cục cũng đề nghị các Sở LĐ-TB&XH thống kê số lao động trong doanh nghiệp, mức lương cao nhất, thấp nhất và trung bình.
Cục Quan hệ lao động và tiền lương cũng yêu cầu các Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo bộ phận chuyên môn nắm bắt tình hình thực hiện chính sách tiền lương, tiền thưởng ở các doanh nghiệp.
Đồng thời đề nghị doanh nghiệp phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương thưởng theo nội dung đã thỏa thuận.
Về tình hình nợ lương năm 2018, Cục yêu cầu các Sở LĐ-TB&XH tập trung vào 4 nhóm doanh nghiệp chính gồm: Dệt may, da giày, chế biến thủy sản và chế biến gỗ.
Đồng thời, công văn của Cục cũng đề nghị phân tách rõ các nguyên nhân gây ra tình trạng nợ lương , như doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm dừng hoạt động; doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động…
(Theo enternews.vn)