Thứ Hai, 12/11/2018, 06:26 (GMT+7)
.

Đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng

 (ABO) Trong năm 2017 và 10 tháng năm 2018, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động) tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện Cuộc vận động ngày càng hiệu quả.

Người tiêu dùng mua sắm tại điểm bán hàng Việt ở huyện Tân Phước.
Người tiêu dùng mua sắm tại điểm bán hàng Việt ở huyện Tân Phước.

TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP

Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, trong năm 2017 và 10 tháng năm 2018, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội là thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Vận động Cuộc vận động các cấp, các doanh nghiệp phối hợp tổ chức 13.894 cuộc tuyên truyền về Cuộc vận động, với hơn 486 ngàn lượt người tham dự.

Nhằm đẩy mạnh Cuộc vận động, Sở Công thương đã triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014 - 2020.

Bên cạnh đó, sở tham mưu UBND tỉnh thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa, đảm bảo cung ứng cho nhân dân vào dịp Tết Nguyên đán năm 2017 và 2018, với 13 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tham gia. Hàng hóa dự trữ chủ yếu sản xuất trong nước, với tổng trị giá trên 718 tỷ đồng.

Sở cũng đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu hàng Việt thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các kỳ hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Triển khai các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Sở Công thương đã hỗ trợ Co.opmart Mỹ Tho và Co.opmart Vĩnh Long tổ chức 14 đợt bán hàng lưu động tại các huyện trên địa bàn tỉnh, với tổng doanh thu khoảng 350 triệu đồng.

Đồng thời, sở triển khai thực hiện 2 mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt, với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 2 huyện Tân Phước và Tân Phú Đông. Các sản phẩm hàng hóa được bày bán tại các điểm bán hàng Việt đều là hàng hóa sản xuất trong nước, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm và niêm yết giá rõ ràng.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Quốc Bình, các điểm bán hàng Việt đã giúp nguời dân tiếp cận dễ dàng hơn với hàng hóa Việt Nam chất lượng và giá cả phù hợp. Những điểm bán hàng này còn góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; từ đó đưa hàng hóa Việt Nam tới gần hơn với người tiêu dùng.

Đặc biệt, sức lan tỏa tinh thần ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam đã giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp, hiện nay tỷ lệ hàng Việt đến tay người tiêu dùng qua các kênh phân phối hiện đại chiếm khoảng 85%, chợ truyền thống chiếm khoảng 70% và xu hướng sử dụng hàng Việt sẽ ngày càng tăng cao. Hàng hóa sản xuất trong nước không chỉ phổ biến tại chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hóa, mà còn chiếm tỷ lệ cao tại các siêu thị.

Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 85% sản phẩm hàng hóa Việt Nam được bày bán tại các chợ nông thôn, cửa hàng tạp hóa, siêu thị, chủ yếu ở các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ gia dụng… 

TIẾP TỤC TẠO SỰ LAN TỎA

Đánh giá về hiệu quả của Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Huỳnh Văn Hải khẳng định, hiệu ứng tích cực mà Cuộc vận động mang lại chính là góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng theo hướng ưu tiên lựa chọn mua sắm, sử dụng các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, Cuộc vận động cũng đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường nội địa; đồng thời, làm thay đổi tư duy, nhận thức của các doanh nghiệp về đổi mới công nghệ, mở rộng về quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, ổn định giá bán sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng Cuộc vận động, đồng chí Huỳnh Văn Hải cho biết, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ để Cuộc vận động tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ.

Trong đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc dùng hàng Việt Nam là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với đất nước.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh phối hợp với ngành Công thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu hàng Việt Nam; đảm bảo lưu thông hàng hóa, làm tốt công tác định hướng thị trường; tăng cường vận động các doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn thị trường; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đăng ký sản phẩm để phát triển và mở rộng thị trường trong nước. 

Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung làm tốt công tác quản lý thị trường để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; triển khai xây dựng các điểm bán hàng Việt cố định, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng.

P. NGHI

.
.
.