Thứ Năm, 01/11/2018, 20:14 (GMT+7)
.

Tháng 6 -2019 sẽ khắc phục xong vết nứt dầm cầu Vàm Cống

aaa
Trong lúc chờ sửa cầu Vàm Cống, các phương tiện nối đuôi nhau đi qua phà Vàm Cống đi qua sông Hậu. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến việc khắc phục hư hỏng cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu bị nứt dầm thép, đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội vào ngày hôm nay (1-11), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, theo kế hoạch, cuối 2018, dự án sẽ hoàn thành sửa chữa và tháng 6/2019 sẽ khánh thành cầu Vàm Cống đồng thời với đường cao tốc từ Vàm Cống đến Rạch Giá (Kiên Giang).

Theo Bộ trưởng Thể, Cầu Vàm Cống là một trong những cầu trọng điểm quốc gia nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án sử dụng vốn vay của Hàn Quốc. Tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công đều là các đơn vị nước ngoài.

Trong quá trình hoàn chỉnh công trình, Bộ trưởng thừa nhận, đã có một số yếu tố kỹ thuật liên quan đến chất lượng đó là nứt dầm thép. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức đấu thầu quốc tế xem xét, đánh giá nguyên nhân.

Sau khi có nguyên nhân cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về các phương án xử lý.

“Hiện tư vấn, nhà thầu Hàn Quốc đang thực hiện công tác sửa chữa. Theo kế hoạch, cuối 2018, dự án sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, do đây là dự án hết sức quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật cao nên Bộ Giao thông Vận tải đang đấu thầu tư vấn kiểm định chất lượng toàn cầu sau khi nhà thầu sửa chữa xong để đảm bảo cầu Vàm Cống đưa vào vận hành theo đúng yêu cầu kỹ thuật,” Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải khẳng định.

Bộ trưởng Thể cũng bổ sung thêm, theo lộ trình, đầu 2019, tư vấn sẽ kiểm định chất lượng toàn cầu. Bộ Giao thông Vận tải hy vọng tháng 6-2019 sẽ khánh thành cầu Vàm Cống đồng thời với đường cao tốc từ Vàm Cống đến Rạch Giá (Kiên Giang).

Về kinh phí thuê tư vấn thẩm tra, sửa cầu Vàm Cống, theo Bộ trưởng, trong dự án này, Chính phủ Australia đã tài trợ cho chúng ta không hoàn lại 100 triệu USD (khoảng 2.325 tỷ đồng) để phát triển cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh. Ngoài ra, Chính phủ Australia tài trợ không hoàn lại cho công tác tư vấn.

“Do đó, riêng cây cầu Vàm Cống khi xảy ra sự cố kỹ thuật, Chính phủ Australia sử dụng tiền viện trợ còn lại tiếp tục hỗ trợ cho dự án… Có nghĩa là công tác liên quan đến thiết kế, sửa chữa và tổng kiểm tra chất lượng sau khi sử dụng thì dùng nguồn vốn của Chính phủ Australia… Chúng ta hoàn toàn không sử dụng nguồn vốn của Nhà nước,” Bộ trưởng Thể lý giải.

Trước đó, chiều 14-11-2017, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29 thuộc dự án cầu Vàm Cống, các đơn vị tư vấn, nhà thầu phát hiện dầm ngang trên đỉnh trụ P29 bị nứt.

Kết quả kiểm tra, đo đạc thời điểm phát hiện sự cố cho thấy, cầu không xuất hiện nứt và các biến dạng bất thường tại các vị trí dầm được kiểm tra (ngoại trừ dầm ngang có xuất hiện vết nứt nêu trên), kích thước hình học của công trình phù hợp với hồ sơ thiết kế. Qua đó, kết cấu công trình vẫn đảm bảo ổn định.

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng cùng các cơ quan chức năng chỉ đạo nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan xác định nguyên nhân. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải có giải pháp khắc phục triệt để, bảo đảm chất lượng, tuổi thọ của công trình.

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ dự kiến thông xe cuối năm nay. Đây là cây cầu dây văng có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tổng chiều dài 2.969m, trong đó nhịp chính dài 870m.
Dự án được đầu tư hơn 270 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, khởi công năm 2013.

Việc cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh được thông xe sẽ kết nối tuyến giao thông đường bộ huyết mạch phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nối Thành phố Hồ Chí Minh đến Kiên Giang. Khi đó, việc di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh theo tuyến đường N2 về An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang sẽ thuận lợi hơn. Đặc biệt, khi dự án nâng cấp tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

(Theo TTXVN)



 

.
.
.