Thứ Ba, 20/11/2018, 20:48 (GMT+7)
.

Thấy gì qua 53 tên quỹ vận động cơ sở đóng góp?

(ABO) Qua kết quả giám sát tại 32 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Đoàn giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Tiền Giang phát hiện có đến 53 tên quỹ được các hội, đoàn thể, Ủy ban nhân dân (UBND) vận động đóng góp. Việc vận động đóng góp các loại quỹ ở cơ sở trong thời gian qua có nhiều ưu điểm, song cũng có một số hạn chế, bất cập cần chấn chỉnh trong thời gian tới.

Từ những nguồn quỹ vận động được đã góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội (Trong ảnh: Nuôi heo đất tiết kiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ) - Ảnh: Hạnh Nga
Từ những nguồn quỹ vận động được đã góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội (trong ảnh: Nuôi heo đất tiết kiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ). Ảnh: Hạnh Nga

* 53 tên quỹ

Qua giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang tại 32 xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) trên địa bàn tỉnh, có 10 đơn vị đầu mối tổ chức vận động quỹ và có 53 tên quỹ. Đơn vị có tổng đầu quỹ vận động nhiều nhất là 16 quỹ, ít nhất là 5 quỹ.

Cụ thể như sau: UBND xã trực tiếp tổ chức vận động 5 loại quỹ, bao gồm: Quốc phòng - an ninh (32/32 xã); Đền ơn đáp nghĩa (31/32 xã); Nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở xã, thị trấn (18/32 xã); Bảo trợ trẻ em (19/32 xã) và Dân phòng (1/32 xã).

Hội Cựu chiến binh tổ chức vận động 8 loại quỹ, bao gồm: Quỹ Đồng đội (18/32 xã), Quỹ Tình nghĩa (8/32 xã), Quỹ Góp vốn xoay vòng (5/32 xã), Quỹ Xây nhà đồng đội (2/32 xã), Quỹ Hỗ trợ đồng đội (1/32 xã)...

Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức vận động 11 loại quỹ, bao gồm: Góp vốn xoay vòng (5/32 xã), Tiết kiệm mùa xuân (2/32 xã), Tiết kiệm thi đua ái quốc (4/32 xã), Heo đất (3/32 xã), Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (1/32 xã), Mái ấm tình thương (1/32 xã), Tổ góp vốn xoay vòng (1/32 xã)...

Đoàn Thanh niên tổ chức vận động 6 loại quỹ, bao gồm: Thắp sáng ước mơ (1/32 xã), Giải quyết việc làm (1/32 xã), Hỗ trợ việc làm thanh niên (2/32 xã), Nghề nghiệp, việc làm (4/32 xã)…

Hội Người cao tuổi tổ chức vận động 9 loại quỹ, bao gồm: Chân quỹ (14/32 xã), Tình thương (5/32 xã), Mắt sáng (2/32 xã), Mái ấm người cao tuổi (1 xã)…

Hội Chữ thập đỏ tổ chức vận động 8 loại quỹ, bao gồm: Nhân đạo (6/32 xã), Sổ vàng nhân đạo (7/32 xã), Cứu trợ (1/32 xã), Từ thiện (1/32 xã)…

Ngoài ra, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tổ chức vận động 1 loại quỹ với 2 xã thực hiện; Hội Khuyến học có 2 loại quỹ; Ủy ban MTTQ có 1 loại quỹ; Hội Nông dân có 2 loại quỹ.

* Ưu điểm và hạn chế

Việc vận động, quản lý và sử dụng các loại quỹ tại xã, phường, thị trấn được cấp ủy quan tâm và lãnh đạo bằng nghị quyết, thường xuyên theo dõi, đôn đốc trong các cuộc họp giao ban định kỳ hằng tháng, quý, năm nhằm đảm bảo vận động đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Các quỹ được vận động, sử dụng đều có văn bản quy định, hướng dẫn của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, địa phương và của ngành dọc cụ thể, chặt chẽ. UBND cấp xã thường xuyên quan tâm kiểm tra, theo dõi quá trình vận động, quản lý và sử dụng từng loại quỹ.

Một số loại quỹ như: Đền ơn đáp nghĩa, Vì người nghèo, Nhân dân tự đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở xã, thị trấn… được người dân đồng tình, tích cực tham gia đóng góp. Từ những nguồn quỹ vận động được đã góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xây dựng các công trình phúc lợi tại cộng đồng dân cư.

Ngày 11-6, Ủy ban MTTQ tỉnh có công văn gửi UBND tỉnh và các Hội: Cựu chiến binh tỉnh, Nông dân tỉnh, Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên tỉnh, Người cao tuổi tỉnh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh về việc thực hiện kiến nghị kết quả giám sát việc vận động nhân dân đóng góp và quản lý các loại quỹ tại xã, phường, thị trấn.

Qua đó, ngày 18-6 UBND tỉnh cũng có công văn giao các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành, thị báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, gửi Sở Tài chính để tổng hợp và giao Sở Tài chính tổng hợp, dự thảo văn bản, trình UBND tỉnh chậm nhất ngày 27-6 để xem xét, gửi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm như trên, việc vận động, quản lý, sử dụng các loại quỹ vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Cụ thể là việc lập và đặt tên quỹ rất đơn giản, thường xuất phát từ nội dung hỗ trợ, chưa căn cứ vào quy định của Chính phủ.

Quản lý nhà nước về tổ chức vận động, quản lý, sử dụng quỹ của UBND cấp xã ở nhiều nơi còn hạn chế; chỉ quan tâm các quỹ do UBND xã trực tiếp vận động, thiếu phối hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với các quỹ do các tổ chức chính trị - xã hội hoặc các Hội trực tiếp vận động.

Một số địa phương xác định đối tượng vận động chưa đúng, một đối tượng vận động nhiều loại quỹ, gây phiền hà cho những người tham gia đóng góp các loại quỹ.

Các xã, phường, thị trấn được giám sát chưa thực hiện tốt việc lập Ban vận động, Ban quản lý quỹ; đối với các Hội thì chưa thành lập Ban điều hành, bộ phận quản lý quỹ hoặc chưa xây dựng nghị quyết, quy định, quy chế, biên bản thực hiện vận động, quản lý, sử dụng từng loại quỹ theo đúng quy định của pháp luật. Hầu hết các đơn vị chưa thực hiện tốt việc công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân…

* Một số kiến nghị

Các xã, phường, thị trấn được giám sát kiến nghị: Đối với Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, đề nghị không nên tiếp tục vận động quỹ này, vì hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 22 ngày 26-4-2013 quy định hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

Đối với Quỹ Vì người nghèo, hiện Chính phủ đã có ban hành nhiều chế độ chính sách cho người nghèo như: Nhà ở, khám, chữa bệnh, hỗ trợ tiền điện, học tập, việc làm…; vì vậy đề nghị không nên tiếp tục duy trì việc vận động Quỹ Vì người nghèo.

Đối với Quỹ Hỗ trợ nông dân, hiện đã có Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay, đề nghị không nên thực hiện vận động và không nên giao chỉ tiêu vận động theo từng năm.

Đối với quỹ của Hội Cựu chiến binh cơ sở, đề nghị thống nhất vận động 2 loại: Quỹ Tình nghĩa, Quỹ Đồng đội và thực hiện vận động từ Chi hội.

Còn Quỹ Góp vốn xoay vòng của Hội Cựu Chiến binh cơ sở, đề nghị Chi hội tự tổ chức vận động và quản lý trong nội bộ hội viên, không tính lãi, không quy định thành chủ trương của Hội Cựu chiến binh các cấp.

Hội Người cao tuổi có 9 loại quỹ, đề nghị xem xét thống nhất lại các loại quỹ cần vận động và có hướng dẫn thực hiện của Hội cấp trên…

Hiện nay, đối với cấp xã tồn tại nhiều loại quỹ, tên gọi chưa thống nhất, gây khó khăn cho công tác vận động và dễ tạo sự hiểu nhầm cho người dân.

Chính vì vậy, Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị các Hội: Cựu chiến binh, Nông dân, Liên hiệp Phụ nữ, Người cao tuổi, Chữ thập đỏ và Đoàn Thanh niên hướng dẫn các loại quỹ cần vận động của tổ chức mình để thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, nhất là việc lập sổ sách, chứng từ thu, chi đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Việc thành lập quỹ phải đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Nghị định 30/2012 ngày 12-4-2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện. Hội Nông dân tỉnh cần nghiên cứu các ý kiến đề xuất của cấp xã mà Đoàn giám sát đã ghi nhận và có giải thích thấu đáo cho cơ sở, hội viên.

Đối với UBND tỉnh, Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh kiến nghị: Chỉ đạo Sở Tài chính tăng cường phối hợp với các chủ thể có thành lập quỹ ở cấp tỉnh trong công tác kiểm tra, thanh tra thường xuyên hơn đối với việc vận động, quản lý, sử dụng quỹ nhân dân đóng góp, nhất là đối với cấp xã; đồng thời, hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ để giúp các hội quản lý đúng theo quy định của pháp luật đối với các nguồn quỹ vận động trong nhân dân.

Chỉ đạo Sở Nội vụ hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng có thành lập quỹ thực hiện đúng Nghị định 30/2012 ngày 12-4-2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc tổ chức vận động, quản lý, sử dụng quỹ nhân dân đóng góp trên địa bàn. Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn thực hiện Quỹ Bảo trợ trẻ em ở cấp huyện và cấp xã cho có sự thống nhất…

Thực chất nội hàm một số loại quỹ chỉ là một

Sau khi nhận được Công văn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh về việc thực hiện kiến nghị kết quả giám sát việc vận động nhân dân đóng góp và quản lý các loại quỹ tại xã, phường, thị trấn, các Hội cũng đã có báo cáo giải trình.

Cụ thể, Hội Người cao tuổi tỉnh cho rằng: Hiện nay, quỹ Hội ở cấp xã quản lý gồm 4 loại, bao gồm: Hội phí, Chân quỹ, Chăm sóc người cao tuổi và Phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động chăm sóc người cao tuổi và theo các cuộc vận động của Trung ương Hội chỉ đạo như Cuộc vận động “Mắt sáng cho người cao tuổi”, “Mái ấm người cao tuổi”, từ đó Tỉnh hội phát động và yêu cầu Hội cấp huyện và cơ sở vận động hội viên đóng góp. Nguồn này các Hội cơ sở để theo dõi riêng nên có nơi gọi là “Quỹ Mắt sáng” hay “Quỹ Tình thương”, “Quỹ Mái ấm người cao tuổi”, thực chất nguồn vận động này cũng nằm trong Quỹ Chăm sóc. Tuy nhiên, thông qua kết quả giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh khẳng định sẽ có hướng dẫn, uốn nắn về công tác quản lý từng loại quỹ và tên gọi cho đúng với hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh hội.

Hội Cựu chiến binh tỉnh cũng có Công văn báo cáo về việc xây dựng, quản lý, sử dụng các loại quỹ Hội. Theo đó, Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết: Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh tỉnh khóa IV, nhiệm kỳ 2007 - 2012 ban hành Nghị quyết 39 ngày 25-12-2007 về việc xây dựng quỹ Hội là một chủ trương đúng đắn, phù hợp, kịp thời, mang lại hiệu quả thiết thực, đã góp phần giúp cho cán bộ, hội viên nghèo, cận nghèo hoặc gặp khó khăn đột xuất có một số vốn để sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thoát nghèo; được cán bộ, hội viên đồng tình, tích cực hưởng ứng. Hội Cựu chiến binh tỉnh cũng rút ra những bài học kinh nghiệm để thực hiện trong thời gian tới, đó là tăng cường vai trò lãnh đạo, điều hành của từng cán bộ Hội cơ sở, tích cực vận động xây dựng quỹ Hội trên cơ sở đồng thuận chung của toàn Hội.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng có công văn gửi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh giải trình. Theo đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Thực chất Hội Chữ thật đỏ cấp xã vận động các loại quỹ nội hàm chỉ là một; chủ yếu làm cầu nối để các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mạnh thường quân đến hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng cần được hỗ trợ…

THIÊN AN

.
.
.