.

Chị Vân và nỗ lực vượt khó để phát triển kinh tế

Cập nhật: 14:10, 01/12/2018 (GMT+7)

Sinh sống trong môi trường tự nhiên khắc nghiệt nhưng với bản chất cần cù, chịu khó, nhiều hội viên phụ nữ ở huyện Tân Phước đã tự lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình trong đời sống xã hội. Chị Nguyễn Thị Vân (ấp Mỹ Trường, xã Phước Lập, huyện Tân Phước) là một điển hình như thế.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân với mô hình trồng nấm rơm.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân với mô hình trồng nấm rơm.

Với phần lớn người dân vùng lũ, mùa nước nổi là khoảng thời gian rảnh rỗi vì không thể sản xuất được, nhưng với vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân và anh Nguyễn Văn Dũng lại là thời gian bận rộn. Năm nay, lũ lớn và lên nhanh mang theo nhiều nguồn lợi thủy sản.

Hằng ngày, vợ chồng chị Vân đi đổ dớn, giăng lưới bắt cá. Trung bình mỗi ngày, vợ chồng chị kiếm được hơn 200 ngàn đồng, đủ để trang trải cuộc sống. Ngoài ra, tận dụng khoảng đất trống trước hiên nhà và rơm sau mỗi vụ thu hoạch lúa, mỗi năm, chị trồng thêm 3 vụ nấm rơm.

Với ưu điểm dễ trồng, vốn đầu tư ít, kỹ thuật đơn giản, đầu ra tương đối ổn định nên mỗi vụ nấm rơm chị Vân thu lãi hơn 7 triệu đồng.

Để có thêm thu nhập cho gia đình, chị Vân đã mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình nuôi gà ta thả vườn. Theo chị Vân, nuôi gà ta thả vườn rất dễ chăm sóc, ít dịch bệnh. Trong khi đó, vốn đầu tư chuồng trại nuôi gà thả vườn không cao, chủ yếu dùng các vật liệu, cây tạp quanh vườn nhà.

Do thức ăn cho gà chủ yếu là lúa, cám nên chất lượng thịt ngon, bán được giá cao. Sau khoảng 5 tháng nuôi, gà có thể xuất bán, với giá trung bình khoảng 80.000 đồng/kg, những lúc cao điểm giá có thể cao hơn. Mỗi năm, chị Vân xuất bán 2 đợt gà, mỗi đợt khoảng 200 con, thu lãi gần 10 triệu đồng.

Gia đình chị Vân đến Tân Phước lập nghiệp từ năm 1996, chỉ với 2 công đất hoang được mua với giá rẻ. Cuộc sống rất khó khăn nên ai thuê gì vợ chồng chị cũng làm miễn là công việc chính đáng. Qua nhiều năm chắt chiu dành dụm, năm 2004, chị mua được 5 công đất; đồng thời, mướn thêm 1,4 ha đất sản xuất lúa. Từ đó, kinh tế gia đình chị Vân dần ổn định.

Hiện tại, với việc sản xuất hơn 2 ha lúa, chăn nuôi heo, gà ta thả vườn, trồng nấm rơm... mỗi năm mang về cho gia đình chị Vân nguồn thu nhập hơn 150 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, chị Vân cho biết, hơn 20 năm lập nghiệp trên vùng đất mới, trải qua rất nhiều vất vả, nhưng khó khăn nào vợ chồng chị cũng vượt qua, đó là nhờ vợ chồng biết yêu thương, chia sẻ, đồng lòng trong mọi công việc.

Những lúc gia đình có mâu thuẫn, chị nhẹ nhàng giải quyết theo hướng “cơm sôi nhỏ lửa”. Chồng nóng thì vợ bớt lời, nhẹ nhàng khuyên bảo nhau cùng xây dựng gia đình hạnh phúc. Đối với ông bà, cha mẹ phải hết lòng phụng dưỡng, làm gương cho con cháu.

Chị Nguyễn Thị Mộng Thảo, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Mỹ Trường (xã Phước Lập, huyện Tân Phước) nhận xét: “Trong gia đình, chị Vân là người vợ đảm đang, người mẹ mẫu mực và là dâu thảo.

Với xã hội, chị là một hội viên phụ nữ nhiệt tình, tích cực trong các phong trào tại địa phương. Bản thân chị còn cưu mang một cụ bà neo đơn, tận tình chăm sóc như mẹ ruột của mình”.

THANH LUÔNG - PHÚC THỊNH

.
.
.