Thứ Hai, 10/12/2018, 08:41 (GMT+7)
.

Gò Công Đông: Phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới

Qua 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gò Công Đông lần thứ XI, các mục tiêu, kế hoạch đề ra đến năm 2020 của huyện đã cơ bản đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, một số chỉ tiêu có khả năng thực hiện đạt và vượt vào cuối nhiệm kỳ.

ĐẠT VÀ VƯỢT NHIỀU CHỈ TIÊU

Đánh giá lại những kết quả đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua, Phó Bí thư Huyện ủy Gò Công Đông Đoàn Văn Ngon cho biết, giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp của huyện đều tăng, thương mại - dịch vụ được mở rộng và đạt mức tăng trưởng khá. Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng cải thiện và thu hút thêm nhiều dự án đầu tư.

Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và chính sách xã hội đạt nhiều kết quả tích cực.

Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, tạo môi trường phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình, dự án trọng điểm được triển khai thực hiện.

Cụ thể, trên cây lúa, huyện đã triển khai thực hiện 25 mô hình trình diễn “1 phải, 5 giảm” và 3 mô hình “Giảm lượng giống gieo sạ”; diện tích cây ăn trái ổn định với 1.315 ha.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được huyện lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, với sự đồng thuận, tham gia và hưởng ứng của người dân.

Đến nay, huyện có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Bình Nghị, Tân Điền, Tân Đông, Tân Thành, Bình Ân, Tân Phước) và các xã còn lại như: Tăng Hòa đạt 14 tiêu chí, Tân Tây và Kiểng Phước đạt 13 tiêu chí, Phước Trung 10 tiêu chí và Gia Thuận 8 tiêu chí.

Được tỉnh thống nhất chọn huyện Gò Công Đông xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, huyện đã ban hành Nghị quyết, Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện để quyết tâm lãnh đạo xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.

Bên cạnh đó, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (giai đoạn 2016 - 2018) tăng bình quân 15,05%/năm, đạt 3.371 tỷ đồng. Công nghiệp chế biến thủy sản phát triển mạnh trên cơ sở nguồn nguyên liệu hiện có tại địa phương.

Các cơ sở sản xuất đã đầu tư công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Một số lĩnh vực như cơ khí, đóng và sửa chữa tàu thuyền; may, đan lưới... phát triển ổn định.

z
Nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản được xem là kinh tế mũi nhọn của huyện biển Gò Công Đông. Ảnh: NGUYỄN SỰ

TĂNG TỐC

Theo Phó Bí thư Huyện ủy Gò Công Đông Đoàn Văn Ngon, qua kiểm điểm đánh giá những kết quả và tồn tại, hạn chế trong nửa đầu nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện bổ sung những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tiếp tục lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI.

Trong đó, huyện tập trung lãnh đạo, điều hành để phấn đấu đạt các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng; thực hiện thành công các đề án thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 như: Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025.

Huyện tiếp tục mời gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với củng cố, phát triển các mô hình kinh tế tập thể đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững.

Trong nửa nhiệm kỳ còn lại, huyện Gò Công Đông chú trọng phát triển các loại hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân áp dụng tiêu chuẩn GAP cho sản xuất rau màu, cây lúa; nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, chủ yếu là công nghệ cao và công nghệ sinh học trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Cùng với đó, huyện quyết tâm lãnh đạo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới theo Nghị quyết 96 ngày 8-10-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về lãnh đạo xây dựng huyện nông thôn mới đến năm 2020, với mục tiêu cụ thể đạt chuẩn và ra mắt huyện nông thôn mới vào năm 2020.

Ngoài ra, huyện cũng tranh thủ các nguồn lực để tập trung phát triển các dự án công nghiệp, du lịch và dịch vụ hiện có trên địa bàn. Còn ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện. Ngành Y tế phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân cả về thể chất và tinh thần, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Các chính sách đối với người có công, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội phải thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Ngành chuyên môn nắm chắc tình hình trong, ngoài nước và tình hình ở địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại để chủ động giải quyết mọi tình huống phát sinh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, tăng cường đối thoại với dân sẽ được huyện chú trọng hơn nữa. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ được đặc biệt quan tâm...

SĨ NGUYÊN

.
.
.