Chủ Nhật, 02/12/2018, 21:27 (GMT+7)
.

Thu nhập không phải là tiêu chí duy nhất xác định hộ nghèo

Hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo một cách bền vững, hạn chế tình trạng thoát nghèo rồi lại tái nghèo là chủ trương chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; đồng thời, giảm nghèo phải thực chất.

Do đó, việc xác định hộ nghèo hiện nay không chỉ dựa trên tiêu chí thu nhập như trước đây, mà phải được xem xét dưới góc nhìn đa chiều.

Đưa nước sạch về huyện Tân Phú Đông là sự nỗ lực lớn của tỉnh nhằm giúp người dân cải thiện điều kiện sống.
Đưa nước sạch về huyện Tân Phú Đông là sự nỗ lực lớn của tỉnh nhằm giúp người dân cải thiện điều kiện sống.

Theo Tổ chức Liên Hợp quốc, nghèo là thiếu năng lực tối thiểu để tham gia hiệu quả vào các hoạt động xã hội. Nghèo có nghĩa là không đủ ăn, không đủ mặc, không được đi học, không được khám chữa bệnh, không có đất đai để trồng trọt hoặc không có nghề nghiệp để nuôi sống bản thân, không được tiếp cận tín dụng.

Nghèo cũng có nghĩa là không an toàn, không có quyền và bị loại trừ, dễ bị bạo hành, phải sống trong các điều kiện rủi ro, không tiếp cận được nước sạch và công trình vệ sinh.

Vấn đề nghèo đa chiều có thể đo bằng tiêu chí thu nhập và các tiêu chí phi thu nhập. Sự thiếu hụt cơ hội, đi kèm với tình trạng suy dinh dưỡng, thất học, bệnh tật, bất hạnh và tuyệt vọng là những nội dung được quan tâm trong khái niệm nghèo đa chiều.

Thiếu đi sự tham gia và tiếng nói về kinh tế, xã hội hay chính trị sẽ đẩy các cá nhân đến tình trạng bị loại trừ, không được thụ hưởng các lợi ích phát triển kinh tế - xã hội; do vậy sẽ bị tước đi các quyền con người cơ bản.

Theo Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 của nước ta được xây dựng theo hướng sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Theo đó, tiêu chí đo lường nghèo được xây dựng dựa trên 2 cơ sở. Một là, các tiêu chí về thu nhập bao gồm: Chuẩn mức sống tối thiểu về thu nhập, chuẩn nghèo về thu nhập, chuẩn mức sống trung bình về thu nhập. Hai là, mức độ thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Chuẩn nghèo trong giai đoạn hiện nay bao gồm tiêu chí thu nhập, là hộ có thu nhập 700.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở thành thị. Về mức độ thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trên cơ sở 5 chiều cạnh nghèo.

Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng và đề xuất 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt trong nghèo đa chiều tương ứng gồm:

- Giáo dục người lớn, là hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên đủ 15 tuổi không tốt nghiệp trung học cơ sở và hiện không đi học.
- Giáo dục trẻ em, là hộ gia đình có ít nhất 1 trẻ em trong độ tuổi đi học (5 - 14 tuổi) hiện không đi học.
- Hộ gia đình có người bị ốm đau nhưng không đi khám chữa bệnh (ốm đau được xác định là bị bệnh/chấn thương nặng đến mức phải nằm một chỗ và phải có người chăm sóc tại giường hoặc nghỉ việc/nghỉ học không tham gia được các hoạt động bình thường).
- Hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên từ 6 tuổi trở lên hiện tại không có bảo hiểm y tế.
- Hộ gia đình đang ở trong nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ gia đình nhỏ hơn 8 m2.
- Hộ gia đình không được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh.
- Hộ gia đình không sử dụng hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Hộ gia đình không có thành viên nào sử dụng thuê bao điện thoại và internet.
- Hộ gia đình không có tài sản nào trong số các tài sản: Tivi, radio (máy nghe đài), máy vi tính.
- Hộ gia đình không nghe được hệ thống loa đài truyền thanh xã/thôn, dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Theo tiêu chí mới, một gia đình được coi là hộ nghèo nghiêm trọng nếu hộ đó thiếu từ 1/2 tổng số nhu cầu cơ bản trở lên. Nội dung của cách tiếp cận đo lường nghèo đa chiều cần phải xác định được các chiều thiếu hụt, các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt trong từng chiều.

Cách tiếp cận nghèo đa chiều còn mới mẻ, khác hẳn quan niệm về nghèo thu nhập/chi tiêu nên cần thay đổi nhận thức trong cộng đồng.

Nghèo đa chiều là cách tiếp cận mới nhằm hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập nhưng lại nghèo về các chiều cạnh khác.

Thay vì  xem xét nghèo thu nhập thì những ai không được khám chữa bệnh, không được đến trường, không được tiếp cận thông tin cũng được xác định là nghèo.

Cái nghèo không chỉ gắn liền với sự thiếu thốn thu nhập/chi tiêu mà còn là việc không được thỏa mãn các nhu cầu cơ bản khác.

Với mục đích tác động tốt hơn, toàn diện hơn đến người nghèo, việc chuyển đổi đánh giá nghèo từ đơn chiều sang đa chiều là phương pháp khắc phục những bất cập và hạn chế của chính sách hiện tại.

Phương pháp này giúp bảo đảm mức sống tối thiểu; đồng thời, đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, song song với việc tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ, gia tăng mức độ bao phủ thì yêu cầu xuyên suốt là phải nâng cao chất lượng các dịch vụ cơ bản, trong đó có y tế, giáo dục hiện nay.

MAI HÀ

.
.
Liên kết hữu ích
.