Mở hụi phải khai báo chính quyền: Có khả thi?
“Chơi hụi là giao dịch dân sự, trên tinh thần tự nguyện của người dân, không phải giao dịch có điều kiện nên không cần khai báo”.
Đây là quan điểm của LS Trần Tuấn Anh (Đoàn LS TP Hà Nội) khi bình luận về dự thảo Nghị định mới về họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là hụi) do Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ.
Tháng 9-2017, hơn 70 người dân xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam choáng váng khi chủ hụi ôm 3,7 tỉ đồng bỏ trốn Ảnh: Trần Thường. |
Kỳ hụi trên 100 triệu phải khao báo chính quyền
Dự thảo Nghị định của Bộ Tư pháp về hụi, họ, biêu, phường (gọi chung là hụi) có 5 chương quy định từ quyền, nghĩa vụ của chủ hụi, các thành viên tham gia, và xác định thứ tự lĩnh và lãi suất hụi.
Cụ thể, lãi suất hụi được quy định không quá 20%/năm, đặc biệt, kỳ hụi có giá trị trên 100 triệu đồng phải thông báo cho UBND cấp xã, phường quản lý. UBND cấp xã có trách nhiệm thống kê thông tin về chủ hụi, thời gian bắt đầu và kết thúc dây, giá trị của kỳ mở, tổng số thành viên dây có giá trị kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên.
Dự thảo cũng đưa hai phương án cho chủ hụi. Thứ nhất, một người được làm chủ hụi của một hoặc nhiều dây tại cùng một thời điểm với tổng giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ của các dây hụi không quá 200 triệu đồng. Phương án 2, một người được làm chủ hụi không quá 2 dây tại cùng một thời điểm.
Trường hợp dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên thì văn bản thỏa thuận bắt buộc có công chứng, chứng thực. Chủ hụi và các thành viên thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khó chứng minh hụi với quan hệ vay mượn cá nhân
Bày tỏ quan điểm trên báo Người Lao động, LS Trần Tuấn Anh (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng, chơi hụi là giao dịch dân sự, trên tinh thần tự nguyện của người dân, không phải giao dịch có điều kiện nên không cần khai báo. Bên cạnh đó, quy định không hợp lý khi đang thêm trách nhiệm cho chính quyền cấp xã, phường.
LS Trần Tuấn Anh cho rằng, chỉ nên quy định nghĩa vụ khai báo của người chơi hụi, chính quyền tiếp nhận, nắm bắt thông tin, trong trường hợp xảy ra sự cố thì có cơ sở để báo cáo, xử lý. Không nên quy trách nhiệm cho chính quyền phải thống kê thông tin về việc chơi hụi.
Đồng quan điểm với LS Trần Tuấn Anh, trên báo Tuổi trẻ, TS Vũ Đình Ánh, Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng nếu quy định chủ hụi phải đăng ký với cấp xã, phường cũng có nghĩa tất cả những quan hệ vay mượn dân gian đều phải lên đăng ký với UBND cấp xã, phường quản lý.
"Trường hợp không làm vậy sẽ không thể phân biệt được đâu là hụi, đâu là quan hệ vay mượn thông thường giữa 2 cá nhân. Và muốn có quy định riêng để quản lý hụi thì tất cả các hoạt động vay mượn phải đăng ký, ngay cả quan hệ trong gia đình như con vay bố, anh, em, họ hàng vay nhau cũng phải ra phường đăng ký, chứ khó tách bạch được". - Vũ Đình Ánh phân tích.
Cũng theo TS Vũ Đình Ánh, khó có đủ cơ sở để chứng minh thế nào là hụi, khi nào là quan hệ vay mượn cá nhân bình thường. Mà như vậy cũng vô lý vì trong khi hụi có quy định về số tiền trong khi vay mượn cá nhân không thể hạn chế số tiền là bao nhiêu. “Do vậy, quy định đăng ký riêng cho hụi là không khả thi”. –TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
LS Nguyễn Huy Việt - Đoàn luật sư TP.HCM bày tỏ băn khoăn về cơ sở để thực thi nếu dự thảo này được áp dụng. “Nếu các chủ hụi không thi hành cũng chẳng có ràng buộc gì, chẳng có chế tài nào bởi nền tảng của hụi là thỏa thuận dân sự dựa trên niềm tin.
Khi xảy ra các việc chiếm dụng tài sản, giật hụi...thì cơ chế giải quyết vẫn là các bên kiện dân sự ra tòa hoặc tố cáo đến cơ quan công an nếu có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm... chứ không có vai trò của chính quyền hay cơ quan tài phán nào khác”. - LS Nguyễn Huy Việt nói.
Họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là hụi) không phải là một hình thức mới trong đời sống xã hội mà đã được quy định cụ thể trong Nghị định 144/2006/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường được ban hành trên cơ sở quy định tại Bộ Luật Dân sự năm 2005. Thời điểm đó, hoạt động hụi được ghi nhận là một tập quán tốt đẹp, tương thân tương ái trong đời sống nhân dân.
Sau hơn 12 năm thi hành Nghị định 144, hình thức hụi đã xảy ra nhiều biến tướng, trở thành hoạt động huy động vốn, cho vay nặng lãi. Từ đó lộ ra nhiều khoảng trống pháp lý.
Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ vỡ hụi với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng khiến dư luận lo ngại, trong khi đó việc xử lý tranh chấp gặp nhiều khó khăn do những quy định về hụi, họ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, hình thức hụi đa phần bị biến tướng để huy động vốn trả lãi cao, đánh vào lòng tham của người dân.
Đặc biệt, các dây hụi thường được thiết lập rất sơ sài với sổ sách viết tay, không có công chứng. Các thành viên đóng hụi cũng không được cập nhật đầy đủ chữ ký, thông tin, thời gian...
(Theo enternews.vn)