Năm 2018: Nhiều điểm sáng về an sinh xã hội
Năm 2018 là năm đánh dấu với nhiều thành tựu nổi bật của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, công tác an sinh xã hội đạt được những kết quả tích cực.
GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Chăm lo đời sống nhân dân là việc làm thiết thực. Đặc biệt, những đối tượng yếu thế trong xã hội luôn được quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện để có cuộc sống tốt hơn. Năm 2018, tiếp tục phát huy thành quả công tác giảm nghèo của những năm trước, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Các đối tượng yếu thế được nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. |
Theo đó, ngay từ đầu năm, tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn… Đẩy mạnh triển khai các giải pháp giảm nghèo, trong đó chú trọng đầu tư cho những vùng khó khăn.
Với vai trò là đơn vị chủ trì, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo; đồng thời, đẩy mạnh tổ chức thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững.
Triển khai chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và cận nghèo, tỉnh đã giải ngân cho hơn 40.400 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo vay vốn ưu đãi theo nhu cầu thực tế để phát triển sản xuất. Thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo, tỉnh đã xét miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 20.000 lượt học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo; 100% con hộ nghèo đi học tiểu học, THCS, THPT được trợ giúp; 100% sinh viên con hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ vay vốn khi có nhu cầu. Tỉnh đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; qua đó, tạo điều kiện cho người nghèo được chăm sóc y tế tốt hơn...
Đến tháng 9-2018, UBND tỉnh đã tổ chức trao gần 38 tỷ đồng Quỹ An sinh xã hội cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các hội, quỹ bảo trợ các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh. Thông qua nguồn Quỹ An sinh xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh và tổ chức hội, các huyện, thị, thành thực hiện các công trình phúc lợi xã hội, chăm lo cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, góp phần cùng các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở hiện tại và tương lai. |
Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều của tỉnh liên tục giảm qua từng năm. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2016 là 5,02%; năm 2017 là 4,19% và đến cuối năm 2018 đã giảm xuống còn 3,41%.
Bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 0,6% - 0,9%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân 4%/năm. Đa số hộ nghèo, hộ thoát nghèo đã tiếp cận được các chính sách trợ giúp của Nhà nước.
Những hộ thoát nghèo có khả năng thoát nghèo bền vững. Còn các hộ nghèo phát sinh chủ yếu là do hộ gia đình có người bị bệnh nan y hoặc bị tai nạn không thể lao động, hộ có người già neo đơn và là hộ mới tách ra từ hộ nghèo (có con lấy vợ hoặc lấy chồng).
Nhìn chung các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn… được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời. Từ đó, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
CHĂM LO TỐT CÁC ĐỐI TƯỢNG XÃ HỘI
Theo xu hướng chung của cả nước, cùng với mặt tích cực của quá trình đổi mới là tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn giữa các nhóm dân cư, giữa nông thôn và thành thị, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng, yêu cầu của xã hội về hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội cũng tăng cao.
Tỉnh đã rà soát và lập danh sách khoảng 60.000 đối tượng yếu thế thuộc diện bảo trợ xã hội. Từ đó, tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách bảo trợ xã hội, chăm lo cho người yếu thế trong xã hội như: Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm lý dựa vào cộng đồng; thực hiện Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; trợ giúp người khuyết tật, người già neo đơn…
Các chương trình, dự án bảo trợ xã hội được thực hiện đồng bộ. Các đối tượng yếu thế trong xã hội được tạo điều kiện tiếp cận ngày càng tốt hơn với các chính sách và nguồn hỗ trợ từ cộng đồng; đồng thời, được quan tâm hỗ trợ về vật chất, tinh thần và các nhu cầu cơ bản của đối tượng từng bước được đáp ứng.
Toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở bảo trợ xã hội. Các cơ sở thực hiện đầy đủ các chế độ nuôi dưỡng, phục vụ cho các đối tượng từ ăn, mặc, sinh hoạt cá nhân, chăm sóc sức khỏe, luyện tập phục hồi chức năng cho đến mua bảo hiểm y tế.
Nhìn chung, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm lo cho đối tượng yếu thế trong xã hội. Có thể nói, sau nhiều năm đổi mới, hệ thống an sinh xã hội không ngừng phát triển nên cơ bản đã phát huy khả năng bảo vệ, khắc phục rủi ro cho người lao động, người dân trong cơ chế thị trường và các rủi ro khác. Hệ thống an sinh xã hội đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của người dân.
MAI HÀ