Thứ Tư, 23/01/2019, 20:55 (GMT+7)
.

TP. Mỹ Tho: Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nhất là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TP. Mỹ Tho sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng bên cạnh đó thách thức cũng không nhỏ.

Do đó, thành phố cần có những định hướng, giải pháp phát triển phù hợp, khả thi, tận dụng được thời cơ để vượt qua thách thức. Sự phát triển của thành phố là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các vùng lân cận.

TP. Mỹ Tho tập trung đầu tư và triển khai thực hiện các công trình mang tính
TP. Mỹ Tho tập trung đầu tư và triển khai thực hiện các công trình mang tính "điểm nhấn".

THUẬN LỢI VÀ THÁCH THỨC

Nhiều năm qua, cơ sở hạ tầng TP. Mỹ Tho được tập trung đầu tư, nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh đã và đang triển khai trên địa bàn, đã góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố tiếp tục phát triển và tạo bộ mặt đô thị Mỹ Tho ngày càng khang trang, hiện đại hơn.

TP. Mỹ Tho có vị thế quan trọng, cơ sở để khai thác tiềm năng, phát huy vai trò động lực của thành phố trong sự phát triển chung của tỉnh và của vùng. Đó là trong Quy hoạch vùng TP. Hồ Chí Minh đã xác định TP. Mỹ Tho, TP. Tân An (tỉnh Long An) là hạt nhân của cực phát triển Tây Nam. Còn trong Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Mỹ Tho được xác định là đô thị hạt nhân của vùng Đông Bắc.

Và trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, 1 trong 5 khâu đột phá là “Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị trung tâm, đô thị ngoại vi và các điểm dân cư nông thôn. Tập trung phát triển các khu đô thị trung tâm của TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX. Cai Lậy…”.

TP. Mỹ Tho là đầu mối giao thông quan trọng của các vùng lân cận và tác động lên hành lang giao lưu kinh tế trong và ngoài tỉnh, có Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60 và sông Tiền đi qua; có Cảng cá Mỹ Tho và là nơi quy tụ các tàu, thuyền đánh bắt hàng đầu của tỉnh.

Trong tỉnh, thành phố là cầu nối với các vùng công nghiệp tập trung phía Bắc tại huyện Tân Phước và là đầu mối giao thương quan trọng kết nối trung tâm các tiểu vùng của tỉnh. Hoạt động thương mại tại thành phố với chức năng trung chuyển, đầu mối có tác động mạnh mẽ đến các huyện và các tỉnh lân cận.

Điều khó khăn, thách thức của TP. Mỹ Tho trước hết là nằm giữa 2 trung tâm kinh tế lớn, phát triển năng động và mạnh mẽ là TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ; đồng thời, cũng nằm trong không gian Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây sẽ là thách thức không nhỏ về cạnh tranh thu hút đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mặt khác, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn còn một số mặt chưa đồng bộ, sẽ là thách thức trong thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch...; tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, tình hình xói lở bờ sông, các cù lao... Bên cạnh đó, vẫn còn những vấn đề nội tại mà thành phố phải tập trung giải quyết như: Về quản lý đô thị, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị...

Trên cơ sở nhận diện thuận lợi và thách thức, TP. Mỹ Tho đã xác định được nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm tính hiệu quả và đồng bộ.
 
PHÁT HUY NỘI LỰC GẮN VỚI LIÊN KẾT VÙNG

Hiện nay, lãnh đạo TP. Mỹ Tho xác định phát huy nội lực gắn với liên kết vùng là hướng đi quan trọng để phát triển thành phố - đô thị loại I, đặc biệt là đô thị trung tâm của tỉnh trong phát triển doanh nghiệp, kinh tế - đô thị, du lịch.

Cụ thể là thành phố đã có nhiều giải pháp để phát triển kinh tế - đô thị trên cơ sở liên kết với các địa phương trong Vùng Trung tâm và các vùng, gắn liền với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh; qua đó hình thành chuỗi liên kết nội vùng và liên vùng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tác động phát triển các vùng một cách bền vững.

Thành phố phát huy lợi thế tiềm năng của địa phương, phối hợp với các huyện trong vùng đánh giá, khai thác, phát huy tối đa các nguồn lực xã hội, phát triển đồng bộ, có trọng tâm, tạo sự lan tỏa giữa thành phố với các huyện trong vùng và các vùng trong tỉnh.

Thành phố cũng nâng cao tính chủ động, năng động và sáng tạo trong nghiên cứu, thực hiện cơ chế, chính sách; nâng tầm phát triển cực trung tâm để thu hút, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên các dự án, chương trình trọng điểm của thành phố và của Vùng Trung tâm, đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt, chặt chẽ, liên hoàn giữa thành phố với các huyện trong vùng và các vùng lân cận.

Song song đó, thành phố tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, xây dựng môi trường đầu tư cởi mở, tin cậy, ổn định, đồng bộ theo thẩm quyền.

Trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, TP. Mỹ Tho chú ý phát triển các loại hình kinh tế vườn, rau, hoa phục vụ đô thị; phát triển công nghiệp, tập trung phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Thành phố ưu tiên phát triển mạnh thương mại - dịch vụ và những ngành, lĩnh vực mà địa phương có lợi thế; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng đô thị đồng bộ với quá trình phát triển và mở rộng đô thị.

TP. Mỹ Tho cũng tập trung đầu tư, thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các công trình, dự án mang tính “điểm nhấn” không chỉ của thành phố, mà còn của tỉnh như: Dự án Đường Hùng Vương và Khu dân cư, thương mại - dịch vụ hai bên đường (đến ngã tư Lương Phú - huyện Châu Thành) gắn với các công trình khu vực Quảng trường Trung tâm tỉnh; Dự án Khu dân cư dọc sông Tiền gắn với việc khai khác khu vực Giếng nước; trang trí cầu Rạch Miễu; các dự án phát triển thương mại - dịch vụ như: Dự án Trung tâm Thương mại TP. Mỹ Tho, Dự án Khu thương mại - Dịch vụ TP. Mỹ Tho; thực hiện hoàn thành Dự án Nâng cấp đô thị TP. Mỹ Tho để góp phần chỉnh trang thành phố; từng bước đầu tư kè và xây dựng cầu qua sông Bảo Định nhằm xây dựng trục cảnh quan quan trọng của thành phố…   

Song song đó, trong hoạch định kế hoạch phát triển của thành phố đã có sự gắn kết với triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Tỉnh ủy và Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện các nghị quyết: Nghị quyết 06 về lãnh đạo công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Nghị quyết 11 về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết 13 về lãnh đạo phát triển TP. Mỹ Tho đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030…

THỦY HÀ

.
.
.