Thứ Tư, 20/03/2019, 10:22 (GMT+7)
.

Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa khô

Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra,  Ban Chỉ huy (BCH) Phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) huyện Tân Phước đã tăng cường kiểm tra, rà soát phương án PCCCR ở các cấp và của chủ rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.

Một khu rừng thuộc xã Thạnh Hòa.
Một khu rừng thuộc xã Thạnh Hòa.

Theo thống kê của UBND huyện Tân Phước, toàn huyện có trên 1.301 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ trên 47 ha, rừng sản xuất trên 690 ha và trên 563 ha rừng khác. Diện tích rừng được giao cho các đơn vị quản lý gồm: Trại giam Phước Hòa (548,51 ha), Bộ Chỉ huy  Quân sự tỉnh (15,3 ha), Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (47,02 ha) và còn lại là hộ gia đình, cá nhân (690,8 ha). Diện tích rừng phân bố chủ yếu trên địa bàn các xã Thạnh Hòa, Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông và Mỹ Phước.

Thực hiện Chỉ thị 20 ngày 15-11-2018 của UBND tỉnh, BCH PCCCR huyện Tân Phước xác định công tác chủ động ứng phó với nguy cơ cháy rừng, hạn chế thiệt hại, giữ vững diện tích rừng trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng mùa khô.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước Huỳnh Văn Bườn cho biết, huyện đã kiện toàn BCH PCCCR cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, kiểm tra dụng cụ, trang thiết bị phục vụ PCCCR tại 5 xã có diện tích rừng lớn. Rừng trên địa bàn huyện Tân Phước chủ yếu là rừng tràm và bạch đàn, là các loại cây có lá chứa nhiều tinh dầu. Mùa khô, thảm thực vật dưới tán rừng chết; cùng với đó, lá và cành, nhánh khô tạo thành lớp vật liệu dày đặc nên rất dễ cháy. Hầu hết diện tích rừng tiếp giáp khu dân cư nên tình trạng người dân xâm nhập vào rừng để khai thác nguồn tài nguyên rừng và việc sử dụng lửa bất cẩn rất dễ xảy ra cháy rừng. Mặt khác, diện tích phần lớn rừng tiếp giáp hoặc xen kẽ với đất sản xuất nông nghiệp, trong khi theo tập quán canh tác sau thu hoạch lúa, khoai mỡ, hoa màu… người dân tiến hành đốt rơm, cỏ để vệ sinh đồng ruộng, nếu không quản lý chặt chẽ dễ xảy ra cháy lan vào rừng.

Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ Nguyễn Văn Trung cho biết, lãnh đạo xã thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các cuộc họp ở các chi, tổ hội và các ấp vận động các hộ dân có rừng dọn vệ sinh các bờ bao, bờ kinh, tỉa thưa rừng, nạo vét thông thoáng các kinh, mương đảm bảo việc đi lại dễ dàng và dự trữ nước ứng phó khi có sự cố xảy ra. Hiện đang bước vào mùa khô, nên địa phương sẽ không cho người dân đốt đồng, nhưng có hộ nào cần thiết đốt đồng để phục vụ sản xuất thì thông báo với trưởng ấp và BCH PCCCR xã để xã cử lực lượng đến khảo sát, nếu vị trí không ảnh hưởng đến cháy lan thì BCH PCCCR xã sẽ bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân đốt đồng. Dù được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng việc triển khai công tác PCCCR trên địa bàn xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do đất trồng rừng không tập trung, mà phân bố rải rác, xen kẽ với đất sản xuất nông nghiệp và hạ tầng giao thông còn gặp nhiều
khó khăn…

Đồng chí Nguyễn Văn Trung cho biết thêm, xã Thạnh Mỹ hiện có khoảng 60 ha rừng, trong đó rừng do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý 15,3 ha; diện tích còn lại nằm xen kẽ, không tập trung, do vậy gặp khó khăn trong công tác quản lý. Mặt khác, đa số các chủ rừng ở địa phương khác đến, nên BCH PCCCR xã Thạnh Mỹ gặp khó khăn trong việc tập hợp dân để tuyên truyền PCCCR, nhắc nhở chủ rừng tỉa thưa, dọn dẹp thảm thực vật; ngăn chặn người lạ vào rừng đốt lửa lấy tổ ong…

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cháy lan trên diện rộng, huyện Tân Phước tiếp tục thực hiện công tác chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Để thực hiện tốt công tác này, BCH PCCCR các xã, thị trấn phải có kế hoạch, phương án và chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị; củng cố lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách; tổ chức tuần tra 24/24 giờ tại BCH PCCCR và các đài quan sát để kịp phát hiện đám cháy, chữa cháy kịp thời và phối hợp tuần tra, kiểm soát những đối tượng lạ mặt xâm nhập vào rừng trong những tháng mùa khô.

VĂN THẢO
 

.
.
.