.

Ngăn chặn "tín dụng đen" tiếp cận công nhân

Cập nhật: 16:06, 27/03/2019 (GMT+7)

Thực tế vừa qua cho thấy, nhiều công nhân là nạn nhân của “tín dụng đen” không có khả năng chi trả, bị đối tượng cho vay hăm dọa, có khi phải nghỉ việc, bỏ xứ đi nơi khác.

Công nhân vay “tín dụng đen” nhờ đến CĐCS hỗ trợ.
Công nhân vay “tín dụng đen” nhờ đến CĐCS hỗ trợ.

NHIỀU CÔNG NHÂN “DÍNH BẪY”

Thời gian qua, “tín dụng đen” hoạt động phức tạp với nhiều hình thức như: Cho vay không thế chấp, thành lập các công ty cho vay với hình thức hợp đồng mua bán xe, hợp đồng cho thuê xe, mua bán trả góp… Đối với công nhân, lao động (CNLĐ) tại các khu, cụm công nghiệp, các đối tượng “tín dụng đen” hoạt động với hình thức cầm thẻ ATM.

Theo đó, thủ tục vay rất đơn giản như chỉ cần photo giấy chứng minh nhân dân, thẻ công nhân, giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, hóa đơn điện, nước… là có thể vay được sau vài giờ và có nhiều hình thức trả, có thể trả góp ngày, tuần hoặc tháng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc L., công nhân Công ty TNHH MTV Kap Vina - Khu công nghiệp (KCN) Tân Hương cho biết, chị biết đến “tín dụng đen” qua hình thức phát tờ rơi và đã vay 40 triệu đồng từ hình thức cho vay này. Mỗi tháng, chị phải trả 2,4 triệu đồng và trả liên tục trong 24 tháng. Như vậy, cả vốn và lãi chị phải trả đến 57,6 triệu đồng. “Do gia đình khó khăn, con còn nhỏ, tiền lương hằng tháng không đủ chi tiêu, nên tôi đành tìm đến tín dụng đen” - chị L. chia sẻ.

Còn chị Âu Thị Trúc L., công nhân Công ty TNHH MTV XNK Hoan Vinh (huyện Châu Thành) cho biết, chị vay 60 triệu đồng của các đối tượng cho vay “tín dụng đen”. Vì thế, chị luôn sống trong cảm giác sợ hãi, không ngủ được do ám ảnh bởi những lời đe dọa từ các đối tượng cho vay khi chưa kịp đóng tiền lãi định kỳ. “Nhờ công ty hỗ trợ một phần, tôi mới có thể trả hết số tiền vay và tiền lãi lên đến 90 triệu đồng”- chị L. cho biết thêm.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH MTV Kap Vina Phạm Thị Kim Sang cho biết, công ty có khoảng 1.100 CNLĐ. Trước khi Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và Công đoàn các KCN gửi văn bản tuyên truyền thì công nhân tìm đến “tín dụng đen” rất đông.

Từ khi có văn bản, CĐCS công ty đã tuyên truyền cho công nhân tác hại của việc vay “tín dụng đen” nên số người vay có giảm. Khi nắm được thông tin công nhân tại công ty vay “tín dụng đen”, CĐCS sẽ tìm hiểu nguyên nhân, thăm hỏi khả năng chi trả và chọn ra những công nhân đặc biệt khó khăn để có chính sách hỗ trợ.

Ngoài ra, CĐCS công ty còn phát động phong trào kêu gọi công nhân đóng góp hỗ trợ, để người vay có thể trả bớt một phần, giảm được lãi suất.

Theo Chủ tịch Công đoàn các KCN Nguyễn Thị Thùy Dương, qua thống kê, trước đây có khoảng 2.575 CNLĐ tìm đến “tín dụng đen”. Bằng sự vào cuộc quyết liệt của Công đoàn các KCN, ngành chức năng, đến nay chỉ còn 400 CNLĐ vay “tín dụng đen” không có khả năng chi trả.

NGĂN “TÍN DỤNG ĐEN” VƯƠN VÒI

Trung tá Phạm Ngọc Duyên, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh vào cuộc xử lý tình trạng “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, bảo kê trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Công an tỉnh cũng chỉ đạo Công an các cấp đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, thường xuyên phối hợp với LĐLĐ tỉnh, Ban Quản lý các KCN tuyên truyền rộng rãi về các hoạt động “tín dụng đen” trong công đoàn viên, Công đoàn.

Song song đó, Công an tỉnh còn phối hợp nắm tình hình vay “tín dụng đen”, đề xuất công ty có biện pháp hỗ trợ đối với CNLĐ để công nhân yên tâm lao động, sản xuất. Kết quả, ngành Công an đã phát hiện được 9 đối tượng cầm thẻ ATM của CNLĐ tại KCN Tân Hương và Long Giang.

Theo Trung tá Phạm Ngọc Duyên, để ngăn chặn “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh nói chung và ở các khu, cụm công nghiệp nói riêng, Công an tỉnh đã đề ra một số giải pháp phòng ngừa để đấu tranh, ngăn chặn.

Theo đó, ngành Công an sẽ tham mưu UBND các cấp chỉ đạo các đơn vị cấp giấy chứng nhận kinh doanh đảm bảo các quy định và thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở vi phạm; chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể xây dựng các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm và tổ nhân dân tự quản, tổ an ninh công nhân trong các khu, cụm công nghiệp.

Trên cơ sở đó chủ động phát hiện, ngăn chặn các đối tượng phát tờ rơi, phun sơn quảng cáo cho vay “tín dụng đen”, đòi nợ... kịp thời báo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý triệt để.

Ngoài ra, ngành Công an sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng, các trang mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết các quy định của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, các đối tượng lợi dụng dịch vụ này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức tự phòng tránh và tích cực tố giác tội phạm.

Còn theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trương Văn Hiền, để đẩy lùi “tín dụng đen” trong công nhân, LĐLĐ tỉnh đề nghị Tổ chức tài chính vi mô CEP triển khai quyết liệt đến tận KCN, khu nhà trọ. Các CĐCS cần đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi công nhân hiểu được tính chất hoạt động của Quỹ CEP (Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm).

Đồng thời, Tổ chức tài chính vi mô CEP cũng cần giảm bớt thời gian hoàn tất thủ tục cho vay đến mức thấp nhất để góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”…    

LÝ OANH

.
.
.