Thứ Sáu, 15/03/2019, 20:20 (GMT+7)
.

Quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng được bảo vệ

Người tiêu dùng (NTD) là bộ phận rất quan trọng trong nền kinh tế, quyết định đến sản xuất, cung cấp dịch vụ hàng hóa. Bởi vậy, từ lâu trên thế giới đã hình thành các hoạt động liên quan đến lợi ích của NTD.

Tại Việt Nam, hoạt động hưởng ứng đã diễn ra nhiều năm qua, nhưng đến năm 2015, ngày 15-3 hằng năm mới chính thức được xác định là Ngày Quyền của NTD Việt Nam.

Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh giải quyết khiếu nại của NTD.
Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh giải quyết khiếu nại của NTD.

Bảo vệ quyền lợi NTD có vai trò quan trọng và cấp thiết trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng vi phạm quyền lợi NTD vẫn diễn ra thường xuyên, phổ biến và chưa có xu hướng giảm.

Nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh còn thiếu trách nhiệm đối với NTD. Bản thân NTD cũng còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng trong tiêu dùng và khả năng để có thể tự bảo vệ mình.

Trước những thách thức trên, Nhà nước đã và đang hoàn thiện các cơ sở pháp lý để bảo vệ tốt hơn quyền lợi NTD. Nhiều chương trình, hành động vì quyền lợi NTD được tổ chức.

Cùng với đó, ngày 10-7-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1035 về Ngày Quyền của NTD Việt Nam, theo đó lấy ngày 15-3 hằng năm là Ngày Quyền của NTD Việt Nam.

Việc công nhận Ngày Quyền của NTD Việt Nam là hết sức cần thiết góp phần thực thi các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, khẳng định tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi NTD.

Chủ động trong công tác triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2019, Bộ Công thương đã ban hành Kế hoạch 9266, trong đó nêu rõ chủ đề tổ chức các hoạt động hưởng ứng là “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững”. Kế hoạch đặc biệt tăng cường các sự kiện tri ân NTD; đẩy mạnh tuyên truyền, bảo vệ NTD trong các giao dịch thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, giao dịch qua các trang mạng xã hội…

Có thể thấy, Ngày Quyền của NTD Việt Nam 15-3 hằng năm được tổ chức đã khẳng định quyền và nghĩa vụ của NTD; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với NTD; trách nhiệm của tổ chức, xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi NTD; giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD; tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh cho NTD và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ...

Với chức năng và nhiệm vụ, từ khi thành lập (ngày 15-9-2008) đến nay, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh đã xây dựng hệ thống tổ chức vững mạnh, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD.

Theo đó, để làm tốt công tác tuyên truyền, giúp đỡ, tư vấn cho NTD, Hội đã thành lập 16 Chi hội khối cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, 2 Câu lạc bộ nữ tiêu dùng và nông dân tiêu dùng, 150 Tổ hòa giải tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh nhằm hướng dẫn, giúp đỡ hội viên và NTD trong việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi NTD, ngày 22-1-2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 30 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của NTD. Theo đó, Chỉ thị đã nhấn mạnh các nhóm giải pháp cụ thể, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp phải thực hiện nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi NTD.

Bên cạnh đó, Hội đã làm tốt công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại. Cụ thể, trong 5 năm qua, Hội đã tổ chức tiếp nhận hòa giải thành công 347/352 vụ (5 vụ chuyển sang tòa giải quyết theo thẩm quyền).

Qua đó, doanh nghiệp bồi thường thỏa đáng cho NTD trị giá hàng hóa hơn 3,4 tỷ đồng. Các vụ khiếu nại xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực như: Điện, điện tử, đồ gia dụng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, an toàn thực phẩm, viễn thông, bán hàng đa cấp, mua hàng qua mạng... với các hình thức vi phạm rất đa dạng, làm cho NTD hoang mang và không yên tâm khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ.

Thực tế hiện nay, hành vi vi phạm quyền lợi hợp pháp của NTD ngày càng phức tạp và gia tăng ở hầu hết các lĩnh vực. NTD bị xâm hại phần lớn là chấp nhận thiệt hại mà không đi khiếu nại.

Tình trạng ngại va chạm, ngại thủ tục hành chính, sợ tốn thời gian, chi phí đi lại; các lợi ích thường từ các giao dịch nhỏ, giá trị tài sản thường chỉ phục vụ đời sống hằng ngày. Do đó, NTD thường lựa chọn thái độ im lặng.

Điều này làm cho việc xâm phạm quyền lợi NTD của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh không bị phát hiện, không được xử lý...

Chính vì thế, các ngành, các cấp và toàn xã hội hãy chung tay bảo vệ quyền lợi NTD. Đặc biệt là NTD cần có ý thức pháp luật, ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình và lợi ích của xã hội; nhận thức đúng đắn và đầy đủ về các quyền của mình mà pháp luật đã quy định; thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình khi giao dịch với các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh có hành vi vi phạm.

Theo đó, NTD cần phải thực hiện kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ...

Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm và tính trung thực trong việc cung cấp thông tin cho NTD; có trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh, tiêu dùng an toàn, bền vững, văn minh.

P. NGHI

.
.
Liên kết hữu ích
.