.
Giải pháp để chính sách khuyến khích xã hội hóa đi vào cuộc sống

Bài 1: Hiệu quả bước đầu và những khó khăn, bất cập

Cập nhật: 14:31, 15/04/2019 (GMT+7)

Chính sách khuyến khích xã hội hóa (XHH) là chủ trương lớn của Nhà nước, nhằm khai thác tiềm năng, trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội cùng quan tâm chăm lo các hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ công và công tác an sinh xã hội.

Cụ thể hóa chính sách này, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, qua gần 5 năm triển khai thực hiện đã chậm đi vào cuộc sống, bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh khảo sát Dự án Công viên nghĩa trang Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy).
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh khảo sát Dự án Công viên nghĩa trang Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy).

Qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 101/2014 và Nghị quyết 22/2016 của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích XHH đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến nay, đã thu hút được nhiều dự án đầu tư ngoài vốn ngân sách nhà nước với những loại hình và phương thức hoạt động mới, đa dạng, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ công và công tác an sinh xã hội. Tuy nhiên, cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập.

HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 13 dự án thuộc Danh mục khuyến khích XHH, trong đó có 4 dự án đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả gồm: Dự án Công viên nghĩa trang Vạn Phước Viên (huyện Châu Thành), Dự án Công viên nghĩa trang Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy), Dự án Trường Mầm non tư thục Hoa Lan (TX. Gò Công) và Dự án Cụm rạp chiếu phim của Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (TP. Mỹ Tho).

Riêng Dự án Sân bóng đá Hùng Hậu (huyện Gò Công Tây) đã đi vào hoạt động, nhưng kinh doanh không hiệu quả, chủ đầu tư đã dừng kinh doanh, chỉ phục vụ miễn phí cho học sinh để luyện tập thể thao trong thời gian 2 năm gần đây.

Về 8 dự án đang trong quá trình đầu tư hoặc chuẩn bị đầu tư gồm: Dự án Trường Mầm non Khu dân cư Long Thạnh Hưng (huyện Chợ Gạo), Dự án Trường Mầm non tư thục Bình Nhì (huyện Gò Công Tây), Dự án Hệ thống rạp chiếu phim (TP. Mỹ Tho), Dự án Khu liên hợp thể thao (huyện Chợ Gạo), Dự án Nghĩa trang nhân dân xã Long Bình (huyện Gò Công Tây), Dự án Công viên nghĩa trang TX. Gò Công, Dự án Bệnh viện Đa khoa Tâm Minh Đức và Dự án Bệnh viện mắt Phương Nam (TP. Mỹ Tho).

Về nguồn lực tài chính, đến nay có 7 dự án được Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh xem xét, cho vay lãi suất ưu đãi, với tổng vốn vay 172,8 tỷ đồng, bao gồm: 1 dự án thuộc lĩnh vực y tế, 1 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và 5 dự án thuộc lĩnh vực môi trường. Bước đầu, các dự án này đã phát huy hiệu quả trong quá trình đầu tư, kinh doanh.

Không khó để nhận ra rằng, những năm gần đây, hệ thống hạ tầng các đô thị trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao và môi trường.

Nổi bật là, các dự án XHH đầu tư trong lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục đã tương đối đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Theo đánh giá của UBND tỉnh tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh mới đây, nhận thức về XHH của các ngành, các cấp và cộng đồng từng bước được nâng lên, nhất là các cấp ủy, chính quyền đã nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác XHH trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là một yếu tố hết sức thuận lợi để chính sách khuyến khích XHH ngày càng phát triển, góp phần đáp ứng nhu cầu việc làm, nâng cao chất lượng các dịch vụ công và công tác an sinh xã hội.

MỘT SỐ KHÓ KHĂN, BẤT CẬP

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua khảo sát thực tế, các ngành, địa phương phản ánh chính sách khuyến khích XHH đang bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập, hạn chế nhất định.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Văn Hùng cho rằng: “Cơ chế hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), giao đất “sạch” cho chủ đầu tư đã được quy định, tuy nhiên chưa được thực hiện đầy đủ, do địa phương không có sẵn “quỹ đất sạch” để giao đủ và nhiều địa phương do ngân sách hạn hẹp đã không hỗ trợ đầy đủ chi phí theo quy định.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 69/2008 của Chính phủ, Nhà nước có trách nhiệm thanh toán toàn bộ tiền bồi thường GPMB và hỗ trợ chi phí xây dựng hạ tầng cho dự án XHH; đồng thời, phải thực hiện ưu đãi miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cho hầu hết các dự án XHH.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngân sách tỉnh không đủ nguồn lực tài chính để bố trí ngân sách cho nhiệm vụ chi này, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc kêu gọi XHH.

Mặt khác, các dự án trong Danh mục kêu gọi đầu tư đa số là đất của đơn vị thực hiện XHH, nên phần nào cũng kém sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Thêm vào đó, các dự án đầu tư XHH trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao, môi trường cần vốn đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn chậm, nên chưa thực sự khuyến khích các nhà đầu tư tham gia”.

Còn theo phân tích của lãnh đạo các địa phương mà Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đến làm việc, ngoài việc thiếu “quỹ đất sạch”, thì một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn và chậm thực hiện các dự án XHH là các dự án cấp thiết cần phải kêu gọi đầu tư lại không có trong quy hoạch sử dụng đất.

Cụ thể như, Dự án Trường Mầm non tư thục Bình Nhì chậm triển khai do vướng công tác quy hoạch (vướng quy định mốc lộ giới của Quốc lộ 50 và đường dây điện trung thế, nhà đầu tư phải thay đổi lại toàn bộ thiết kế); Dự án Nghĩa trang nhân dân xã Long Bình (huyện Gò Công Tây) vướng quy hoạch nghĩa trang của tỉnh (chỉ quy hoạch có 7,5 ha, trong khi dự án mời gọi đầu tư là 10 ha), UBND huyện Gò Công Tây phải thực hiện thủ tục đề nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch nghĩa trang của tỉnh, đến nay quy hoạch đã được UBND tỉnh điều chỉnh cục bộ; Dự án Công viên nghĩa trang TX. Gò Công do vướng quy định việc sử dụng đất lúa trên 10 ha, thuộc diện phải xin chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ…

Theo Trưởng Ban Pháp chế của HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng, chính sách XHH quy định quá lớn về quy mô, về điều kiện, về tiêu chí để được hưởng. Mặt khác, do các ngành, địa phương gặp khó khăn không thực hiện được, nhưng không kịp thời kiến nghị giải quyết cho các nhà đầu tư, khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia các dự án XHH…

Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Vân thì  cho rằng: “Các ngành chưa thật sự quan tâm công tác phối hợp tuyên truyền. Nhiều nhà đầu tư và người dân không biết nội dung 2 Nghị quyết trên, trong khi trong Quyết định 19 của UBND tỉnh về một số chính sách khuyến khích XHH đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh đã giao nhiệm vụ rất cụ thể cho Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác XHH từ tỉnh đến huyện, tuy nhiên qua giám sát cho thấy, hầu như BCĐ này không hoạt động. Công tác tuyên truyền thì dường như bị bỏ ngỏ. Cần phải thay đổi cách quảng bá, cách làm giữa các ngành, địa phương để phát huy hiệu quả 2 Nghị quyết nêu trên của HĐND tỉnh”.

HOÀI THU (còn tiếp)

.
.
.