Thứ Năm, 18/04/2019, 10:04 (GMT+7)
.

Nhiều mô hình hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển

Với 32 km bờ biển, nghề khai thác thủy sản ở Tiền Giang đã sớm hình thành và phát triển. Thời gian qua, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc, thiết bị, công nghệ mới được ứng dụng giúp các tàu khai thác ngày càng đi xa bờ hơn, hiệu quả khai thác ngày càng tăng.

Thủy sản khai thác từ lưới rê hỗn hợp tại cảng cá Vàm Láng (huyện Gò Công Đông).
Thủy sản khai thác từ lưới rê hỗn hợp tại cảng cá Vàm Láng (huyện Gò Công Đông).

Trước năm 1993, nghề khai thác thủy sản ở Tiền Giang phát triển tự phát, dựa vào nguồn lợi tự nhiên phong phú sẵn có và chủ yếu khai thác thủy sản ven bờ. Theo thống kê năm 1993, số tàu khai thác thủy sản toàn tỉnh là 775 tàu (78.275 CV), sản lượng khai thác đạt 56.820 tấn. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 1.438 tàu (47.982 CV), sản lượng khai thác đạt 114.800 tấn, tăng 202% so với năm 1993.

Có được kết quả trên là nhờ sự hỗ trợ tích cực của ngành Nông nghiệp tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thông qua chuyển giao, nhân rộng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho ngư dân ứng dụng đạt hiệu quả. Cụ thể như mô hình Ứng dụng máy dò ngang Sonar trên tàu khai thác hải sản xa bờ (chủ yếu là nghề lưới vây). Việc ứng dụng máy dò ngang Sonar trên tàu lưới vây không chỉ giúp ngư dân đo độ sâu ngư trường, mà còn chủ động dò tìm đàn cá xung quanh tàu với khoảng cách lên đến 400 m. Nhờ đó, sản lượng khai thác tăng lên đáng kể, tăng hơn 50% so với khi chưa sử dụng máy dò ngang; đồng thời, giảm chi phí nhiên liệu. Nhận thấy hiệu quả từ máy dò ngang mang lại trong khai thác thủy sản, nhiều ngư dân đã lắp đặt cho tàu đánh bắt thủy sản. Theo ước tính, đến cuối năm 2018 ngư dân đã lắp đặt trên 20 máy dò ngang, cá biệt có hộ lắp đặt máy có giá trị lên đến 1,4 tỷ đồng. Hiện tất cả các tàu được lắp đặt máy dò ngang đều cho hiệu quả khai thác rất tốt.

Từ năm 2017, Tiền Giang còn triển khai Mô hình Ứng dụng máy lọc nước biển thành nước ngọt trên tàu khai thác hải sản xa bờ với máy lọc sử dụng công nghệ lọc nước RO (thẩm thấu ngược). Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã nhân rộng trên 70 máy (1 máy/tàu). Với công suất lọc 80 - 150 lít nước ngọt/giờ, mỗi ngày máy có thể cho ra từ 1 - 2 m3 nước ngọt đủ cho thuyền viên trên tàu sử dụng, qua đó giúp cho tàu khai thác thủy sản chủ động được nguồn nước trong suốt chuyến đi biển dài ngày.

Hay mô hình Ứng dụng đèn tiết kiệm điện chuyên dùng trên tàu cá đã giúp ngư dân tiết kiệm được 60% nhiên liệu dùng cho thắp sáng, góp phần nâng cao hiệu quả chuyến biển. Ngoài ra, việc ứng dụng đèn tiết kiệm điện chuyên dùng trên tàu còn đảm bảo an toàn lao động cho thuyền viên và giảm thiểu ô nhiễm vì giảm được lượng khí CO2 thải ra môi trường. Kết quả, đến nay đã có hàng trăm bóng đèn tiết kiệm điện công suất 200 W thay thế cho đèn cao áp công suất 1.000 W trên các tàu lưới vây và chong đèn dẫn dụ cá. Riêng đối với mô hình Lưới rê cá dưa và lưới rê hỗn hợp đã giúp ngư dân 2 xã Tân Phước và Tân Tây (huyện Gò Công Đông) chuyển từ sợi cước đơn của lưới cá đỏ sang sợi lưới xù có độ nhạy cao, từ đó sản lượng khai thác tăng gấp 3 - 4 lần lưới cá đỏ truyền thống. Đến nay, hầu hết ngư dân khai thác bằng lưới cá đỏ trên địa bàn này đều đã chuyển sang lưới mới, với mỗi chuyến biển từ 2,5 - 3 tháng mang lại lợi nhuận 400 - 600 triệu đồng/tàu.

Để giúp ngư dân duy trì chất lượng sản phẩm sau khai thác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, mô hình Ứng dụng hầm bảo quản sản phẩm bằng công nghệ PU foams được triển khai đã giúp kéo dài thời gian bảo quản thủy sản hơn từ 7 - 10 ngày, giảm lượng nước đá hao hụt từ 20% xuống còn 2 - 4%/chuyến biển. Đến cuối năm 2018 có trên 80% số tàu khai thác xa bờ trên địa bàn ứng dụng công nghệ này trên tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần.

Còn mô hình Lắp đặt Rada hàng hải trên tàu khai thác hải sản xa bờ giúp thuyền trưởng quan sát tốt các chướng ngại vật trong mọi điều kiện thời tiết, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trong khai thác, hạn chế tối thiểu các sự cố va chạm trên biển đã được ngư dân TP. Mỹ Tho và huyện Gò Công Đông ứng dụng tốt trong hoạt động khai thác thủy sản xa bờ. Ngoài ra, mô hình Lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp với định vị vệ tinh GPS trên tàu khai thác hải sản xa bờ giúp ngư dân chủ động liên hệ với các tàu khác ở ngư trường, cũng như liên lạc thường xuyên về trạm ở bờ, thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết, giông bão để kịp thời ứng phó, hạn chế rủi ro trong hoạt động khai thác cũng được đa số ngư dân triển khai ứng dụng rất tốt.

Từ việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác thủy sản đạt hiệu quả đã giúp ngư dân trong tỉnh yên tâm và mạnh dạn đưa tàu vươn khơi khai thác thủy sản. Ngư dân từng bước ứng dụng và làm chủ các thiết bị, công nghệ tiên tiến góp phần thực hiện chủ trương hiện đại hóa đội tàu khai thác thủy sản xa bờ trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, để các nghề khai thác thủy sản Tiền Giang đạt hiệu quả bền vững, bên cạnh việc ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tăng sản lượng khai thác còn phải tính đến đầu ra ổn định cho sản phẩm sau khai thác. Để làm được điều này, ngoài việc hỗ trợ xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản của tỉnh còn cần sự hợp tác tích cực của ngư dân như: Khai thác phải gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, thực hiện triệt để việc chống rác thải nhựa trong các hoạt động khai thác thủy sản..., đặc biệt là nghiêm túc thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU theo khuyến cáo của Liên minh châu Âu (EU). Có như thế thủy sản khai thác của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung mới có thể xuất khẩu sang các nước châu Âu được thuận lợi hơn trong thời gian tới.  

HUỲNH VĂN THẢO

.
.
.