Tổng quan về PAPI Tiền Giang
1. Nhìn vào tổng quan Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) đối với tỉnh Tiền Giang trong những năm gần đây cũng đã chỉ ra được những ưu điểm và hạn chế trong chỉ đạo điều hành cũng như những bước đi cho chặng đường tiếp theo.
Bởi PAPI cũng được xem là một trong những nội dung quan trọng góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp đang được triển khai thực hiện.
Lắng nghe ý kiến người dân được lãnh đạo tỉnh chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Ảnh: MINH THÀNH |
Nếu soi rọi vào Chỉ số PAPI trong 5 năm gần đây (từ 2014 - 2018), Tiền Giang cũng có nhiều chỉ số thành phần duy trì ở mức điểm số khá cao, trên 6 điểm, như: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công và Cung ứng dịch vụ công. Còn nếu nhìn kỹ vào nội dung của từng chỉ số cũng cho thấy nhiều điểm sáng.
Chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của Tiền Giang đã để lại nhiều dấu ấn khi liên tục giữ mức điểm cao (nếu như năm 2014 Tiền Giang đạt 6,47 điểm thì năm 2018 đạt 7,09 điểm).
Hay như Chỉ số Thủ tục hành chính công của Tiền Giang cũng đã có bước chuyển biến đáng kể, từ chỗ chỉ đạt 6,94 điểm của năm 2014 đã tăng lên 7,21 điểm trong năm 2018 và trở thành chỉ số có điểm số cao nhất trong 8 chỉ số thành phần PAPI năm 2018 của Tiền Giang vừa được công bố.
Cung ứng dịch vụ công cũng là chỉ số có mức điểm tăng đều trong những năm gần đây, năm 2018 đạt 6,82 điểm, nằm ở vị trí thứ 3 trong 8 chỉ số thành phần của PAPI Tiền Giang, đứng sau Chỉ số Thủ tục hành chính công và Chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.
Nếu chỉ tính riêng PAPI năm 2018 của Tiền Giang thì có 3 chỉ số thành phần tăng điểm và 3 chỉ số thành phần giảm điểm, chưa kể 2 chỉ số thành phần mới bổ sung năm 2018 là Quản trị môi trường và Quản trị điện tử.
Trong 3 chỉ số giảm điểm, đáng chú ý là Chỉ số Công khai, minh bạch từ chỗ 5,21 điểm năm 2017 giảm xuống còn 4,8 điểm trong năm 2018. Đối với 2 chỉ số mới bổ sung năm 2018, Quản trị điện tử có điểm số thấp nhất, chỉ đạt 2,1 điểm.
Còn nếu soi rọi trong 5 năm gần đây, hầu hết các chỉ số thành phần PAPI hằng năm của Tiền Giang đều có tăng, giảm qua các năm, chỉ đáng chú ý là Chỉ số Trách nhiệm giải trình với người dân lại có xu hướng giảm đều.
Nếu như năm 2014 chỉ số này đạt 5,53 điểm, sang năm 2015 đạt 5,22 điểm, năm 2016 đạt 4,94 điểm, năm 2017 đạt 4,72 điểm, sang năm 2018 chỉ còn 3,31 điểm và trở thành chỉ số có điểm thấp thứ nhì sau Chỉ số Quản trị điện tử.
Trách nhiệm giải trình với người dân bao gồm các nội dung thành phần: Mức độ và hiệu quả trong tiếp xúc với chính quyền; giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân và tiếp cận dịch vụ tư pháp.
Nhìn nhận một cách tổng thể hơn, từ năm 2018, Chỉ số PAPI có thêm 2 chỉ số nội dung mới, gồm: Quản trị môi trường và Quản trị điện tử. Theo thông tin từ cơ quan thực hiện và công bố Chỉ số PAPI, mục tiêu của việc đưa thêm 2 chỉ số nội dung này là nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp của đông đảo người dân và cung cấp một số dẫn cứ phục vụ đổi mới chính sách bảo vệ môi trường và phát triển Chính phủ điện tử.
Kết quả phân tích về quản trị môi trường cho thấy, mối quan ngại của người dân về chất lượng nguồn nước sinh hoạt lớn hơn so với mối quan ngại về ô nhiễm không khí. Hơn nữa, người dân ủng hộ bảo vệ môi trường mạnh mẽ.
Về tiếp cận Chính phủ điện tử và tham gia quản trị điện tử, kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy, rất ít người dân sử dụng cổng thông tin điện tử khi đi làm thủ tục hành chính, mặc dù ngân sách đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin của các địa phương rất đáng kể và tỷ lệ người sử dụng Internet tại nhà đã vượt 50% tổng mẫu khảo sát PAPI, đại diện cho dân số Việt Nam.
2. Mang sự hài lòng đến cho người dân không chỉ là mong muốn của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, mà còn đối với tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Với quyết tâm và mục tiêu của lãnh đạo tỉnh là không ngừng mang sự hài lòng đến cho người dân, doanh nghiệp, thời gian qua UBND tỉnh đã tổ chức: Hội nghị đánh giá công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin; ban hành văn bản chỉ đạo nhiều nội dung cải cách hành chính; tổ chức Hội thảo Nâng cao Chỉ số PAPI; ban hành Kế hoạch tổ chức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân về các nội dung liên quan đến PAPI; thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên môn giúp việc Ban Chỉ đạo nâng cao Chỉ số PAPI tỉnh Tiền Giang; Kế hoạch tổ chức Hội thi “Tìm hiểu công tác cải cách hành chính tỉnh Tiền Giang” năm 2018…
Tất nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, mặc dù có rất nhiều cố gắng, quyết tâm của tỉnh và các sở, ngành, địa phương nhưng việc thay đổi thực chất trong chất lượng quản trị và hành chính công hay chuyển động Chỉ số PAPI của Tiền Giang là điều thực sự không dễ và cần phải có lộ trình.
Đặc biệt, với hàng loạt buổi tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành với người dân ở các xã, phường trên địa bàn tỉnh nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân sẽ là tiền đề rất quan trọng để Chỉ số PAPI của Tiền Giang tiếp tục chuyển động theo chiều hướng tích cực trong thời gian tới.
Bởi trên bình diện tổng thể, muốn thay đổi Chỉ số PAPI nói riêng và thay đổi tư duy điều hành, quản lý nói chung còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, chưa kể yếu tố cạnh tranh trong cải cách giữa các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước.
Nhưng suy cho cùng, Chỉ số PAPI cũng góp phần giúp địa phương nhìn nhận lại một cách toàn diện hơn trong việc quản trị và hành chính công. Đó cũng là một xu thế tất yếu và đòi hỏi luôn có sự thay đổi…
A.P