.

Công chức, viên chức được nghỉ trưa 1 tiếng có hợp lý?

Cập nhật: 21:32, 01/05/2019 (GMT+7)
Sau khi Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án quy định về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính... đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
 
Anh Nguyễn Văn Mạnh, cán bộ huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), cho rằng hiện nay giờ bắt đầu làm việc chưa thống nhất, ngay cả trong tỉnh cũng có sự khác biệt. Vì vậy, anh Mạnh đồng tình với quy định thống nhất giờ làm việc, nhưng cần phải phân vùng.
 
“Ví dụ, miền Nam người lao động có thể đi làm lúc 7 giờ 30 hoặc 8 giờ, nhưng miền Bắc mùa đông lạnh nếu làm việc quá sớm sẽ ảnh hưởng sức khỏe của người lao động. Bởi vậy mùa đông miền Bắc nên bắt đầu làm việc lúc 8 giờ 30, mùa hè là 8 giờ…”, anh Mạnh góp ý.
 
a
Nhiều ý kiến khác nhau về thời gian nghỉ trưa và thời gian bắt đầu đi làm.
 
Đồng quan điểm, anh Mai Văn Long, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, cho rằng cần phải linh hoạt giờ làm việc theo mùa, nếu mùa hè bắt đầu làm việc lúc 8 giờ 30 là quá muộn. “Vì người lao động vẫn phụ thuộc vào "lịch" chăm sóc con cái. Mùa hè nhiều trường bắt đầu học lúc 6 giờ 30, nếu đưa con đến trường xong lại phải đi lang thang tới 8 giờ 30 mới vào cơ quan tôi e rằng không hợp lý”, anh Long nhận định và đề xuất từ Huế trở ra nên thực hiện lịch làm việc theo mùa, mùa đông làm việc lúc 8 giờ 30, mùa hè làm việc lúc 8 giờ.
 
Đối với đề xuất thời gian nghỉ trưa, anh Long cho rằng cần nghiên cứu lại bởi ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, người lao động thường sáng đi tối về, mọi hoạt động trong ngày chủ yếu ở cơ quan, ăn trưa ngay ở quán. Tuy nhiên, tại các địa phương hoàn toàn khác.
 
“Buổi sáng nhiều người đi làm nhưng trưa lại phải chạy về lo cơm, nước cho con cái, gia đình. Vì vậy, thời gian nghỉ trưa một tiếng chỉ phù hợp với các thành phố lớn. Nên tôi cho rằng thời gian nghỉ trưa nên kéo dài 90 phút thay vì 60 phút như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH…”, anh Long ý kiến.
 
Trong khi đó, anh Trần Văn Công, chuyên viên ngành hàng hải nhận định nghỉ trưa 60 phút cũng hợp lý, vì thời gian này đủ cho nghỉ trưa và ăn uống. Vì thực tế hiện nay quy định nghỉ trưa 60 phút nhưng nhiều cán bộ công chức, viên chức vẫn kéo dài đến 90 phút.
 
“Bên cạnh đó, cũng cần quy định giờ học của học sinh sao cho phù hợp với giờ làm việc của người lao động. Nếu quy định 8 giờ 30 vào làm việc nhưng các trường tiểu học, trung học có nơi bắt đầu học lúc 6 giờ 30 thì rất bất tiện cho phụ huynh học sinh”, anh Công kiến nghị.
 
Trước đó, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa công bố, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án quy định về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
 
Phương án 1, bổ sung vào Bộ Luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).
 
Phương án 2, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định).
 
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện tại việc quyết định thời điểm bắt đầu làm việc của doanh nghiệp thì do doanh nghiệp quyết định, của cơ quan hành chính thì do người đứng đầu cơ quan quyết định đúng theo thẩm quyền lãnh đạo, điều hành quy định tại Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương
 
Áp dụng giờ làm việc trong các cơ quan Nhà nước trên thực tế hiện nay đang làm xảy ra một số tồn tại. Cụ thể, không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan trung ương và địa phương (các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8 giờ, trong khi đa số các địa phương bắt đầu từ 7 giờ vào mùa hè hoặc 7 giờ 30 với mùa đông), trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng có sự khác nhau.
 
Bên cạnh đó, chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương. Chưa phù hợp xu thế chung của các nước phát triển.
 
“Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án, trong đó phương án một giúp thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, phù hợp hơn với thời gian làm việc của các quốc gia...”, Bộ LĐ-TB&XH lý giải.
 
Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến đến 28-6. Theo lộ trình, dự luật sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5 và thông qua vào kỳ họp tháng 10.
 
(Theo enternews.vn)
 
.
.
.