.

Rượu hay bia đều là "sát thủ"!

Cập nhật: 21:02, 16/05/2019 (GMT+7)
Forbes vừa dẫn báo cáo nghiên cứu của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 – 2017 cho thấy Việt Nam là quốc gia có tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng cao hàng đầu trên thế giới. 
 
Tình trạng lạm dụng rượu bia tràn lan ở nước ta đang kéo theo vô vàn hệ lụy nguy hại về sức khỏe cũng như các vấn đề xã hội phức tạp và bức xúc. 
 
Bia, rượu gây nguy hiểm
 
Trước nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện giao thông say xỉn gây ra trong thời gian qua, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại (WHO) Việt Nam đã bày tỏ quan ngại về tình trạng sử dụng bia, rượu tràn lan bất chấp tính mạng của bản thân và những người xung quanh của không ít người Việt Nam. Qua các khảo sát và thông kê của cơ quan y tế cho thấy, tử vong do TNGT liên quan tới bia rượu chiếm 41% tổng số ca tử vong do thương tích.
 
a
Rượu , bia là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới nhiều vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam
Giải thích vì sao rượu bia lại là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông, WHO cho biết, do rượu, bia làm giảm khả năng phản ứng, hạn chế khả năng phối hợp giữa các bộ phận cơ thể, giảm thị lực và gây buồn ngủ. Nghiên cứu cho thấy, người điều khiển mô tô, xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 50mg/dl (tương đương với 2 lon bia 330ml độ cồn 5%, 2 chén rượu mạnh 15ml độ cồn 40%, 2 ly rượu vang 30ml độ cồn 17% thì sẽ đạt khoảng 50mg/dl) có nguy cơ gặp, hay gây TNGT cao gấp 40 lần so với người không sử dụng.
 
a
Lạm dụng bia cũng nguy hại như rượu
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng nhấn mạnh đến quan điểm sai lầm của rất nhiều người khi cho rằng uống bia không hại như rượu do nồng độ cồn trong bia nhẹ hơn rượu. "Các tác hại của rượu, bia không phụ thuộc vào loại hình đồ uống mà nó phụ thuộc vào tổng khối lượng ethanol vào cơ thể và hình thức uống..."- TS Kidong Park chỉ rõ.
 
Theo đó, trong một lon bia 330ml với nồng độ cồn 5% (tương đương với 10 gram cồn.) sẽ tương đương lượng cồn khi uống 1 ly rượu vang 13,5 độ và tương đương lượng cồn khi uống 1 chén rượu mạnh (30ml).
 
Hệ lụy khôn lường
 
Trong khi đó, theo đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bất kỳ ai uống nhiều hơn 4 đơn vị cồn/ngày (một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tương đương 1 lon bia 330 ml (5%) hoặc 1 cốc bia hơi 330 ml hay 1 ly rượu vang(13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml) đều có nguy cơ cao gây hại sức khoẻ và gây hậu quả xấu cho xã hội.
 
Bởi lẽ bia rượu là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 loại bệnh và gián tiếp liên quan đến 200 bệnh tật, rượu bia là chất hướng thần với những đặc tính gây ra sự lệ thuộc. Theo Bộ Y tế, việc lạm dụng rượu, bia làm gia tăng các bệnh về tim mạch như: đột quỵ, suy tim, cao huyết áp và phình động mạch chủ. Đồng thời, uống nhiều rượu, bia cũng cũng gây ra những tổn thương nghiêm trọng về dạ dày, gan, mật.
 
 Đặc biệt, Tổ chức nghiên cứu Ung thư quốc tế đã xếp rượu, bia vào nhóm chất gây ung thư hàng đầu cho người sử dụng khi rượu, bia là nguyên nhân liên quan tới ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại – trực tràng, gan, mật. Cùng với đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, một tỷ lệ lớn gánh nặng bệnh tật do sử dụng rượu bia phát sinh từ những thương tích không chủ ý và cố ý gồm: TNGT, bạo lực xã hội, gia đình và nhiều hành vi vi phạm pháp luật.
 
 - Nghiên cứu của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 – 2017, cho thấy tỷ trọng tiêu thụ bia rượu trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp và  trung bình.
Theo đó,  tổng lượng tiêu thụ rượu trên toàn cầu mỗi năm từ 21 tỷ lít năm 1990 lên 35,7 tỷ lít vào 2017, tương đương tăng 70%. Riêng khu vực Đông Nam Á, lượng tiêu thụ rượu đã tăng 34% trong vòng 7 năm (2010 - 2017).
 
Ở giai đoạn này, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010. Năm 2017 bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít đồ uống có cồn, con số này tại Ấn Độ là 5,9 lít; Nhật Bản là 7,9 lít...
 
- WHO cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt là cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.
 
(Theo sggp.org.vn)
 
.
.
.