Thứ Hai, 03/06/2019, 21:07 (GMT+7)
.
CÂU LẠC BỘ TRÍ THỨC TỈNH TIỀN GIANG:

Tổ chức hạt nhân của đội ngũ trí thức

Câu lạc bộ Trí thức tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Câu lạc bộ) là tổ chức xã hội tự nguyện của những người trí thức có cùng tâm huyết đang hoạt động ở các lĩnh vực quản lý, nghiên cứu, sáng tạo, giảng dạy, triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Với mục tiêu “Con người là nhân tố quyết định”, thời gian qua, Câu lạc bộ đã tập hợp đội ngũ trí thức của tỉnh và không ngừng lớn mạnh, góp phần xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng phát triển.

UBND tỉnh vinh danh 8 tiến sĩ năm 2018.
UBND tỉnh vinh danh 8 tiến sĩ năm 2018.

Câu lạc bộ hiện có gần 200 hội viên, trong đó Ban Chủ nhiệm có 17 trí thức gồm 2 phó giáo sư, 4 tiến sĩ, 5 thạc sĩ, 4 cử nhân và 2 kỹ sư. Câu lạc bộ có 3 tiểu ban hoạt động theo chuyên ngành: Tiểu ban khoa học - công nghệ; Tiểu ban kinh tế và Tiểu ban văn hóa - xã hội.

Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động Câu lạc bộ luôn đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích theo điều lệ và có những hoạt động nổi bật như: Tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng các văn kiện của Đảng, Nhà nước; các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đề xuất một số cơ chế, chính sách về vinh danh, khen thưởng đối với trí thức có công trình nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật mới nhằm khuyến khích, phát huy tài năng, trọng dụng trí thức; hỗ trợ các cơ quan, trường học có nhu cầu trong tập huấn một số chuyên đề về bảo vệ môi trường, tư vấn tâm lý, xây dựng văn hóa học đường…

Hội viên Câu lạc bộ thường xuyên đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn mà các ban, ngành và xã hội quan tâm. Từ đó,  có hơn 10 đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu, chuyển giao và ứng dụng có hiệu quả trong ngành Y tế, ngành Giáo dục, ngành Nông nghiệp... Nhiều đề tài cấp tỉnh có hội viên Câu lạc bộ làm chủ nhiệm được nghiệm thu đạt loại xuất sắc, đặc biệt có 2 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh không sử dụng ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức còn tăng cường viết tin, bài báo khoa học đăng  trên các tạp chí khoa học, công nghệ trong và ngoài tỉnh. Trong lĩnh vực xuất bản, nhiều đầu sách chuyên khảo, sách khoa học, sách lịch sử, giáo dục truyền thống, sách văn học đã được phát hành mà tác giả là các hội viên Câu lạc bộ. Những công trình nghiên cứu nói trên là sản phẩm của tri thức, có giá trị cao về lý luận, thực tiễn đối với địa phương cũng như giá trị nhân văn.

Câu lạc bộ còn triển khai đa dạng hóa hoạt động, tạo môi trường, điều kiện cống hiến của đội ngũ trí thức tỉnh nhà như: Tham gia tư vấn cho các trường học có nhu cầu lập Tổ tư vấn học đường, xây dựng văn hóa học đường; tham gia phản biện Đề án “Quy hoạch phát triển vùng tỉnh Tiền Giang đến năm 2030”; vận động, khuyến khích hội viên tích cực tham gia chương trình sáng tạo kỹ thuật, hướng dẫn học sinh phổ thông trải nghiệm khoa học…

Nhà giáo Ưu tú - Tiến sĩ Phạm Văn Khanh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, thời gian qua, trí thức Tiền Giang đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển tỉnh nhà trên nhiều lĩnh vực, trong đó đồng hành cùng ngành Nông nghiệp, nông dân trong công cuộc khai hoang Đồng Tháp Mười, ngọt hóa Gò Công, phát triển ngành Giáo dục, y tế, thiết kế, xây dựng đô thị, khu công nghiệp…

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Câu lạc bộ vẫn còn một số hạn chế như cơ cấu ngành, nghề của đội ngũ trí thức Câu lạc bộ nghiêng về lĩnh vực giáo dục, y tế nhiều hơn các lĩnh vực khác cộng lại. Trí thức có trình độ cao học so với cử nhân, cao đẳng còn thấp.

Tỷ lệ trí thức có công trình nghiên cứu khoa học đều đặn sau đào tạo là không lớn. Đa số các công trình nghiên cứu khoa học hằng năm của cấp tỉnh và cơ sở dựa vào ngân sách nhà nước là chính. Các công trình độc lập nghiên cứu, nghiên cứu ngoài ngân sách nhà nước, nghiên cứu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, của các tổ chức và cá nhân chưa nhiều.

Bên cạnh đó, Hoạt động vận động, tuyên truyền của Câu lạc bộ chưa đủ mạnh để thu hút, quy tụ nhiều trí thức tham gia. Các chương trình, kế hoạch hoạt động của Câu lạc bộ thường thiếu yếu tố nguồn lực nhưng lại chậm khắc phục, điều chỉnh nên khó khả thi và bị hạn chế về kết quả. 

Do đó, để khắc phục những hạn chế cũng như tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong đóng góp công sức, trí tuệ cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà, trong nhiệm kỳ tới, Câu lạc bộ sẽ nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường tập hợp đội ngũ trí thức. Xây dựng Câu lạc bộ trở thành tổ chức hạt nhân của đội ngũ trí thức tỉnh nhà.

Bên cạnh đó, Câu lạc bộ cũng sẽ quan tâm, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của trí thức đến các cấp lãnh đạo của tỉnh nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để Câu lạc bộ hoạt động ngày càng hiệu quả.

Cùng với những nhiệm vụ trọng tâm đề ra, Câu lạc bộ cũng mong các cấp, các ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ trí thức và các nhà khoa học tỉnh nhà phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình để cống hiến cho sự phát triển của quê hương Tiền Giang…

P. MAI

.
.
.