.

Đài PT&TH Tiền Giang: Từng bước tiến tới tự chủ chi thường xuyên

Cập nhật: 13:59, 21/06/2019 (GMT+7)
Ê kíp thực hiện Chương trình “Câu chuyện nông thôn” của Đài.
Ê kíp thực hiện Chương trình “Câu chuyện nông thôn” của Đài.

Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nêu rõ: Đến năm 2020, các Đài Phát thanh và Truyền hình (PTTH) tự chủ về tài chính.

Thực hiện Đề án trên, Đài PTTH Tiền Giang (viết tắt là Đài) đã và đang nỗ lực cố gắng, để đến năm 2020 sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên.

NHIỀU THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN TRONG QUÁ TRÌNH TIẾN TỚI TỰ CHỦ

Từ năm 2018, Đài đã tự chủ tài chính đạt trên 86% chi thường xuyên. Hiện tại, Đài còn nhận từ nguồn ngân sách cho chi thường xuyên trên 7 tỷ đồng (bao gồm 8 tháng lương cơ bản và các khoản theo lương, nhuận bút chương trình chính luận, điện, nước, xăng dầu).

Căn cứ vào tình hình thực tế, Đài đã xây dựng lộ trình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ về tài chính: Giai đoạn 2019 - 2020 xây dựng phương án dịch vụ công, giai đoạn 2021 - 2022 chuyển đổi cơ chế tài chính sang đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên, giai đoạn 2023 - 2025 chuyển đổi cơ chế tài chính sang đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

Giám đốc Đài Nguyễn Sĩ Hùng cho biết: “Trong quá trình chuẩn bị để đến năm 2020 Đài có thể tự chủ 100%, Đài được sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể. Những người làm báo được đào tạo vững tay nghề, tinh thông nghiệp vụ, có tâm với nghề, đạo đức, lối sống trong sáng.

Đài có gần 30 cán bộ có trình độ thạc sĩ ở đều các bộ phận. Hầu hết nhân viên Đài đã được đào tạo và đào tạo lại theo đúng chuyên ngành, nắm bắt được công nghệ tiên tiến, luôn đoàn kết, thống nhất cao, nói đi đôi với làm, giúp đỡ cùng nhau tiến bộ. Hoạt động thu chi của Đài luôn đảm bảo ổn định, không bị xáo trộn…”.

2 năm gần đây Đài được UBND tỉnh và các ngành đầu tư kịp thời các trang thiết bị: Cho sửa chữa lại trụ sở; đầu tư mới máy phát FM kép 5kw; thay mới camera phim trường chuẩn HD; trang bị 6 máy quay; nâng cấp hệ thống server toàn cơ quan, hệ thống mạng và các hệ thống dựng truyền hình; chuẩn bị khởi công xây dựng phim trường mini nhằm đáp ứng yêu cầu hiện tại, giải quyết tình trạng quá tải của phim trường hiện nay…

Bên cạnh thuận lợi, Đài cũng đang gặp một số khó khăn như: Việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức chưa đồng bộ. Đặc biệt, Đài đang chờ hướng dẫn của liên Bộ Tài chính và Thông tin - Truyền thông để xây dựng và ban hành giá dịch vụ công.

“Nếu giá dịch vụ công được ban hành, Đài sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện cơ chế chính sách tài chính, để làm tiền đề bước sang năm 2020 tự chủ chi thường xuyên. Từ đó Đài sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện kịp thời các chế độ chính sách đi kèm. Nếu giá dịch vụ công ban hành không kịp thời, thì bước sang đầu năm 2020 Đài sẽ gặp khó khăn trong thu chi tài chính, trong đó có giá dịch vụ công. Đến năm 2020, cùng với việc thu - chi ổn định, Nhà nước phải hỗ trợ về giá dịch vụ công thì Đài mới đảm bảo được tự chủ tài chính” - Giám đốc Đài Nguyễn Sĩ Hùng chia sẻ.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG

Khi hướng tới tự chủ tài chính sẽ có sự cạnh tranh giữa các Đài, tác động mạnh mẽ đến các chương trình truyền hình, phát thanh theo hướng nâng cao chất lượng. Nếu các chương trình của Đài không nâng chất lượng thì sẽ không thu hút được khán thính giả.

Vì thế, Đài đã có kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động, từ công tác điều hành, đào tạo đội ngũ cán bộ, phóng viên nhằm nâng chất các chương trình truyền hình, phát thanh...

Theo Đề án quy hoạch của Đài từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, sắp tới Đài sẽ sáp nhập Phòng Biên tập Phát thanh và Phòng Biên tập Truyền hình.

Việc sáp nhập bước đầu sẽ không khó khăn vì tinh giản bộ máy quản lý, khi đi tác nghiệp chỉ còn 1 biên tập viên và 1 quay phim, giảm được 1 biên tập viên.

Ngoài ra, Đài sẽ tách Phòng Chương trình thành 2 phòng chủ lực. Hiện nay, Phòng Chương trình ghép gồm giải trí, văn hóa - văn nghệ, khoa giáo và hậu kỳ, vì vậy trong lãnh đạo, điều hành gặp không ít khó khăn, chồng chéo.

Khi tách làm 2 phòng, Phòng Chương trình chuyên thực hiện các công đoạn hậu kỳ của phát thanh, truyền hình; còn Phòng Giải trí văn hóa - văn nghệ chuyên thực hiện các chương trình phim truyện, khoa giáo.

Thuận lợi sau khi tách, lãnh đạo, điều hành sẽ chuyên sâu hơn, hoạt động phòng có tính chuyên nghiệp hơn, công việc không chồng chéo, đưa hệ thống truyền thông đa phương tiện bắt kịp công nghệ thông tin hiện đại.

Hiện nay, nguồn thu chính của Đài tập trung từ nguồn quảng cáo ở đều các chương trình, đặc biệt là chương trình phim truyện.

Vì thế, Giám đốc Đài Nguyễn Sĩ Hùng nhấn mạnh: Đài đang tập trung chấn chỉnh, đầu tư lại chương trình phim truyện, giải trí; chọn lọc phim có chất lượng cao; chọn khung giờ vàng từ 20 - 21 giờ; chương trình giải trí chiều dành cho những người nội trợ, đảm bảo sự hài hòa, có tính cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Đài tiếp tục duy trì và nâng chất các chương trình, gamshow “mang thương hiệu” của Đài như: “Đường đến vinh quang”, “Mái ấm nghĩa tình”, “Nhịp cầu nhân ái”; bên phát thanh thì có chương trình “Bác sĩ gia đình”, “Lắng nghe và trò chuyện”…

P. MAI

.
.
.