Chuyện nghề của những nhà báo "đặc biệt"
Hiện nay, Đội Tuyên truyền thuộc Phòng công tác Đảng và công tác chính trị, Công an tỉnh Tiền Giang gồm 9 người. Tính từ năm 1997 đến nay, lúc đông nhất 11 người, ít nhất 6 người. 22 năm qua, có lúc thay đổi cơ cấu tổ chức, điều kiện tác nghiệp…, nhưng “máu nghề” của từng cá nhân là không thay đổi và sự đoàn kết của tập thể.
CB-CS Đội Tuyên truyền tập huấn kỹ thuật trên thiết bị mới được trang cấp. Ảnh: NHÀN MAI |
“THUỞ HÀN VI”
Năm 1997, Chương trình truyền hình An ninh Tiền Giang (THANTG) bắt đầu lên sóng chỉ với 2 cemara panasonic, mỗi cái nặng hơn 9 kg. Trong điều kiện khó khăn chung, mọi người “cưng” máy hơn “cưng” con.
Một nam sĩ quan vác máy về vùng xa tác nghiệp, mưa lớn, đường trơn, khi phát hiện mục tiêu, tổ công tác đuổi bắt đối tượng, anh cũng vác máy chạy theo, mất đà, ngã ngửa, từ đầu đến chân sình bê bết, ê ẩm, vậy mà chiếc camera cả chục ký vẫn “bình yên” trên ngực.
Có anh tác nghiệp vùng sông nước, được đơn vị bạn ưu ái “cấp” hẳn một phương tiện để quay một phương tiện khác đang tuần tra mùa nước nổi. Qua vùng nước xiết, 2 phương tiện va vào nhau, anh mất đà, ngã giữa hai mạn xuồng, 2 tay giơ cao. Đồng đội kéo anh lên, anh yêu cầu đưa camera lên trước.
2 chiếc xuồng tách ra, anh ùm xuống sông. Về bệnh xá Công an tỉnh, anh còn hớn hở “may quá, máy không sao, nhờ mỡ nhiều nên 2 hàng xương sườn vẫn an toàn”. Tuy nhiên, sau đó, anh phải sử dụng rượu thoa tan máu bầm gần tháng trời.
Kinh phí hạn chế, camera quay băng từ, máy ảnh chụp phim, từng cá nhân khi tác nghiệp đều cân nhắc, tính toán chi li trước khi bấm máy, thận trọng trong từng thước phim, khung ảnh, trân trọng từng ý kiến đóng góp.
RA RIÊNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
Năm 2005, Công an tỉnh xây dựng phòng thu và được Bộ Công an trang cấp thêm 2 camera cùng thiết bị dựng hình. Chương trình THANTG chính thức “ra riêng”. Biên chế được tăng thêm vài bạn trẻ. Nhiệt tình, năng động, chịu khó, nhưng không nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Khi còn “dựa dẫm”, mọi thứ đã có kỹ thuật viên Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang.
Đến khi “tự lo”, tinh thần học tập, mày mò nghiên cứu được đề cao. Ngoài các lớp đào tạo chính thức, các đợt tập huấn do Bộ Công an (Truyền hình Công an nhân dân) tổ chức, cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) tranh thủ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí tại địa phương. Đặc biệt là, tinh thần “đeo bám” theo kiểu “cầm tay chỉ việc” với các phòng nghiệp vụ của báo, đài địa phương.
Đến nay, 80% CB-CS đã qua đào tạo đại học báo chí và công nghệ thông tin, trang thiết bị cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chuyên mục THANTG là một trong những chuyên mục có chỉ số bạn xem đài cao (theo kết quả khảo sát của Đài PTTH Tiền Giang vào năm 2018).
PHỐI HỢP TUYÊN TRUYỀN TRÊN BÁO ẤP BẮC
Ngoài chương trình THANTG, Công an tỉnh còn phối hợp thực hiện một số chuyên trang, chuyên mục khác trên sóng phát thanh và trên tờ báo Đảng của tỉnh - Báo Ấp Bắc, như: Chuyên trang An ninh trật tự hằng tháng; tùy theo từng thời điểm, chuyên trang An toàn phòng cháy, chữa cháy cũng được thực hiện định kỳ hằng tháng, quý trong năm. Ngoài ra, còn có các chuyên trang chào mừng các ngày truyền thống, các sự kiện lớn của lực lượng Công an nhân dân.
Từ 4 năm trước, Báo Ấp Bắc được VNPT tài trợ phát hành đến tận Công an cấp xã, phục vụ hiệu quả công tác sinh hoạt chính trị, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật ở cơ sở. Hiện nay, việc thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp tuyên truyền trên báo còn góp phần quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị tư tưởng cho CB-CS, cổ vũ các phong trào thi đua trong và ngoài lực lượng, nhất là cổ vũ, động viên và phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
NIỀM VUI NGHỀ
Trước hết là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chỉ huy trong Công an tỉnh, của lãnh đạo báo, đài địa phương. Khi tuyên truyền hiệu quả một chủ trương lớn của tỉnh, được nhân dân ủng hộ, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho Công an tỉnh kèm tiền thưởng, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã mạnh dạn đề xuất không thưởng tiền mà thưởng bằng 1 camera để cấp về Đội Tuyên truyền. Trưởng phòng Công tác chính trị còn thường xuyên cùng đi hiện trường cùng CB-CS…
Sau này, khi về hưu, đã tâm sự với người kế nhiệm: Những chuyến đi như thế, không phải để kiểm tra hay chỉ đạo, mà để thấu hiểu và động viên kịp thời. Đó là nguồn động lực lớn để chúng tôi vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Có những niềm vui tự tạo bằng tinh thần chia sẻ. Một nữ biên tập thực hiện phóng sự về thanh, thiếu niên hư hỏng. Hôm sau, chị quay trở lại nhà đối tượng với túi gạo 20 kg, được mua bằng gấp đôi số nhuận bút hỗ trợ bài viết của chị. Một nam quay phim khi ghi hình đối tượng ra về, đã để lại bì thư có 200.000 đồng, vì thấy gia cảnh đối tượng quá khó khăn.
Nhân kỷ niệm 20 năm Chương trình THANTG lên sóng, chúng tôi đã trích tiền lương đóng góp, tổ chức cho các em học sinh khó khăn của một xã ven biển đi Đầm Sen. Xe đến trường lúc 5 giờ, mà đến 6 giờ 30 phút mới khởi hành, vì các cô, chú phải đến thuyết phục cha mẹ cho bé đi chơi. Hầu hết đã 12, 13 tuổi nhưng các cháu mới đi ô tô lần đầu, mới được đến Đầm Sen tham gia các trò chơi tàu lượn, rồng bay… Một chuyến đi nhiều ý nghĩa với cả hai bên.
TRĂN TRỞ VÀ THỦY CHUNG
22 năm với nhiều niềm vui và cũng lắm ưu tư. Chúng tôi tự động viên mình, đó là gia vị làm phong phú hơn cuộc sống. Chúng tôi mang đủ nỗi niềm của nhà báo không thẻ. Cũng có phút chạnh lòng mỗi dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, những nhà báo chính thức được tôn vinh. Để có được những tác phẩm tốt, được khán giả đón nhận, chúng tôi cũng phải trải qua những thử thách nghề.
Đêm, đang ngủ thì choàng tỉnh bởi những cuộc gọi của lực lượng phá án, của người dân cung cấp thông tin tai nạn giao thông, cờ bạc, đánh nhau, cướp giật… và đi… 2 chiến sĩ mới vào ngành đã đủ máu say nghề để ghi được những hình ảnh “đắt” trong sòng bạc ở dọc biên giới Campuchia.
Một quay phim bị tấn công khi ghi hình nhóm truyền bá mê tín dị đoan, vẫn bình tĩnh trở lại hiện trường lần thứ hai để có được khung hình vừa ý. Một sĩ quan trên đường công tác bị 1 “ma men” chạy ngược chiều với tốc độ cao đâm thẳng vào người gây chấn thương hàm và mắt. Trong thời gian điều trị, anh chỉ lo không được tiếp tục tác nghiệp.
Vậy đó, lửa nghề không diễn đạt được bằng lời, chỉ khẳng định bằng sự đam mê qua những tác phẩm tốt.
THANH DUY