FAO tìm hiểu công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi tại Tiền Giang
Theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Việt Nam về hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi, Đoàn chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp quốc (gọi tắt là FAO) vừa có buổi trao đổi và chia sẻ với lãnh đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cùng các hộ dân có heo bị tiêu hủy thuộc 2 huyện Châu Thành và Cai Lậy về công tác phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi.
Các chuyên gia Hoa Kỳ phát biểu tại buổi làm việc. |
Lãnh đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã trình bày với Đoàn về tình hình, thực trạng, công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh cũng như công tác khử trùng, tiêu hủy heo bị nhiễm bệnh và các giải pháp ngăn chặn, không để bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào các địa bàn chưa xuất hiện ổ dịch. Ngoài ra, ngành chuyên môn và các hộ dân cũng đã đặt ra cho các chuyên gia nhiều vấn đề, nhất là con đường lây lan bệnh, tần suất tiêu độc khử trùng, việc tái đàn trở lại sau dịch cũng như các giải pháp hữu hiệu giúp giữ đàn heo ở phía Đông của tỉnh không bị nhiễm bệnh.
Đoàn chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và FAO cũng trao đổi với ngành chuyên môn tỉnh, cùng các hộ dân có heo bị tiêu hủy nhiều vấn đề như: Kỹ năng của người chích điện heo chết, dung dịch sát trùng, ưu điểm của việc tiêu hủy heo bằng phương pháp đốt sau đó chôn và các ảnh hưởng của thời tiết trong quá trình tiêu hủy. Bước đầu, các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Tổ chức FAO đánh giá cao sự quan tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương; đồng thời cho rằng từ những chia sẻ của các ngành và các hộ chăn nuôi sẽ giúp các chuyên gia thuận lợi trong việc giúp Việt Nam phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi.
Trước đó, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp của Hoa Kỳ và FAO đã đến khảo sát, nắm tình hình thực tế việc tổ chức tiêu hủy heo bị nhiễm bệnh trên địa bàn của tỉnh. Đoàn đã đến khảo sát thực tế biện pháp tiêu hủy bằng hình thức đốt sau đó đem chôn tại hộ ông Lâm Văn Chúc (ấp Bình, xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành); các điểm chôn heo sau khi đốt tại huyện Cai Lậy của hộ ông Trương Văn A (ấp 1, xã Phú An) và hộ ông Nguyễn Văn Mỹ (ấp Bình Thạnh, xã Bình Phú).
MẠNH CƯỜNG