Thứ Tư, 17/07/2019, 21:41 (GMT+7)
.

Khống chế dịch tả heo châu Phi: Còn gặp nhiều khó khăn

Dịch tả heo châu Phi đang lây lan nhanh và diễn biến ngày càng phức tạp ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh Tiền Giang. Mặc dù ngành chức năng, người dân đã quyết liệt thực hiện các biện pháp dập dịch nhưng dịch vẫn lây lan nhanh.

Người chăn nuôi đã ý thức tự bảo vệ đàn heo của mình.
Người chăn nuôi đã ý thức tự bảo vệ đàn heo của mình.

KHÔNG GIẤU DỊCH

Đó là một trong những yêu cầu đặt ra của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trước và trong khi xảy ra dịch. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, dịch tả heo châu Phi chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắc xin phòng bệnh và heo sẽ chết 100% nếu bị nhiễm bệnh. Vì vậy, việc người dân không giấu dịch, không bán “chạy” heo bệnh sẽ góp phần làm giảm sự lây lan của dịch bệnh.

Ông Mai Thanh Hoàng (ấp Mỹ Quới, xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè) có 539 con heo; trong đó có 90 con heo nái, 6 con heo hậu bị và còn lại heo con. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng cho biết: “Gia đình đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nuôi heo. Trang trại được thiết kế hiện đại và chăn nuôi theo kiểu an toàn sinh học. Vậy mà dịch tả heo châu Phi vẫn xảy ra. Ngay sau khi phát hiện đàn heo có con bị bệnh, gia đình tôi đã lập tức báo cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi có kết luận đàn heo dương tính với vi rút dịch tả heo châu Phi, gia đình đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tiêu hủy toàn bộ. Mặc dù số tiền hỗ trợ của Nhà nước không thể bù vào khoản đầu tư nhưng tôi vẫn phải báo cho ngành chức năng xử lý. Bởi, nếu bán “chạy” sẽ làm dịch lây lan và ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi khác”.

Có thể nói, dịch tả heo châu Phi đã khiến ngành chức năng ngày đêm chống chọi, còn người chăn nuôi đứng ngồi không yên. Ông Nguyễn Văn Bảy (ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) nuôi 23 con heo nái và thịt. Do nằm trong vùng bị dịch tả heo châu Phi, gia đình ông đã tích cực thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng để phòng dịch.

Ông Bảy cho biết: “Từ lúc nghe có dịch bệnh, cứ vài ngày là tôi phun hóa chất, rải vôi nhằm tiêu độc khử trùng môi trường xung quanh cũng như trong chuồng. Mình phải có ý thức tự bảo vệ tài sản của gia đình mình trước”.

Theo ghi nhận, nhiều hộ dân đã thực hiện tốt những hướng dẫn của ngành chuyên môn như: Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; vệ sinh, khử trùng phòng trừ dịch bệnh. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn cho biết, muốn dịch tả heo châu Phi được khống chế nhanh, người nuôi phải thực hiện nghiêm “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ tiêu thụ; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt; không vứt heo chết ra môi trường), “10 cấm” (cấm sử dụng thức ăn thừa của người, các phụ phẩm chế biến từ nhà bếp chưa xử lý nhiệt cho heo ăn; cấm đưa thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo từ bên ngoài vào trang trại; cấm động vật hoang dã vào trại heo.

Cấm nuôi và thả rông các động vật khác trong trại; cấm người chăn nuôi bên ngoài, người lạ vào trại khi chưa được phép; cấm mang đồ sinh hoạt cá nhân, túi xách và thiết bị cá nhân vào chuồng nuôi; cấm xe vận chuyển bên ngoài vào khu vực chăn nuôi, đặc biệt xe vận chuyển phân, heo; cấm tuyệt đối các xe mua heo sống, xe mua heo loại vào trong trang trại chăn nuôi; cấm vận chuyển heo giống, hậu bị thay đàn từ vùng dịch vào trong trang trại chăn nuôi; cấm sử dụng nước sông, hồ tự nhiên làm nước uống cho heo; bán hoặc giết mổ heo ốm, heo chết).

CHỐNG DỊCH VẪN RẤT KHÓ

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh, tính đến chiều 15-7, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 5 huyện, thị phía Tây của tỉnh gần: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước và TX. Cai Lậy. Ngành chức năng phải tiêu hủy khoảng 13.000 con, với khối lượng trên 820 tấn, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Trong một cuộc họp mới đây, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú ý Nguyễn Thị Mến cho biết: “Thời gian qua, các ngành chức năng đã tăng cường hoạt động kiểm soát vận chuyển heo trái phép, vận chuyển heo bệnh, tăng cường theo dõi giám sát lâm sàng đối với đàn heo, tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ heo trái phép, không rõ nguồn gốc.

Đặc biệt là heo xuất phát từ ngoài tỉnh đi ngang hoặc đi vào địa bàn tỉnh Tiền Giang”. Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả, theo đồng chí Nguyễn Thị Mến, người chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh tiêu độc khử trùng, hạn chế ra vào khu vực nuôi, không tăng đàn và tái đàn trong giai đoạn hiện nay.

Dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan nhanh, phát biểu trong cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu ngành chức năng phải tiếp tục tuyên truyền về tác hại của dịch tả heo châu Phi.

Những địa bàn nào chưa có dịch, ngành chức năng càng phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người chăn nuôi biết về cách thức phòng, chống dịch tả heo châu Phi; tăng cường tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, tăng cường kiểm soát việc vận chuyển và mua bán heo, sản phẩm từ heo.

Các huyện, thị phía Đông chưa xảy ra dịch, lãnh đạo các địa phương này phải chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra kiểm soát việc vận chuyển, mua bán heo và sản phẩm thịt heo trên bờ cũng như trên các tuyến sông.

SĨ NGUYÊN

.
.
.