Cần bám cơ sở để chỉ đạo phòng, chống dịch hiệu quả
10/11 HUYỆN, THỊ, THÀNH CÓ DỊCH
Đến 16 giờ 30 phút ngày 4-8, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2.807 hộ có heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi, với trên 86.500 con tại 87 xã của 9 huyện, thị, thành. Trong đó, huyện Cái Bè có 24 xã, huyện Cai Lậy 16 xã, TX. Cai Lậy 16 xã, huyện Châu Thành 13 xã, huyện Tân Phước 7 xã, TP. Mỹ Tho 4 xã, huyện Chợ Gạo 3 xã, huyện Gò Công Tây 2 xã, huyện Gò Công Đông 2 xã.
Sáng 6-8, tỉnh cũng ghi nhận thêm 1 ổ dịch tại xã Bình Đông (TX. Gò Công), nâng lên 10/11 huyện, thị, thành xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Hiện các địa phương đã tiêu hủy 68.819 con heo của 2.272 hộ có heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi, với trên 4.535 tấn. Riêng Trại chăn nuôi 30-4, với sự giám sát của địa phương, trại đã tiêu hủy 3.270/3.763 con heo, với trên 227 tấn.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp sáng 6-8. |
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Quốc Hiếu cho biết, kinh phí hỗ trợ liên quan đến dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh đã trên 100 tỷ đồng. Hiện các huyện, thị, thành có heo nhiễm dịch tả heo châu Phi gửi hồ sơ để tỉnh xem xét, hỗ trợ cho người chăn nuôi còn khá chậm.
Huyện Cái Bè đã gửi về tỉnh 103 hồ sơ, trong đó tỉnh đã trả lại 51 hồ sơ đợt 1 để yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh và đang kiểm tra 52 hồ sơ đợt 2; huyện Châu Thành đang kiểm tra 1 hồ sơ, huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy chưa gửi hồ sơ.
Lý do chậm hồ sơ giải quyết tiền hỗ trợ cho người dân, các địa phương giải thích là do dịch xuất hiện trên địa bàn nhiều, lực lượng các xã đã quá tải trong việc tiêu hủy heo nên hoàn chỉnh hồ sơ còn chậm. Việc chậm trễ này, một số địa phương như: huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy, huyện Châu Thành nhận khuyến điểm trước UBND tỉnh.
KHẮC PHỤC NGAY CÁC BIỂU HIỆN LƠ LÀ
Huyện Cái Bè là một trong những địa phương có số lượng heo nhiễm bệnh và tiêu hủy nhiều nhất tỉnh. Hiện số lượng heo nhiễm bệnh chiếm khá lớn so với tổng đàn heo trên địa bàn. Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Quốc Thanh cho biết: Tính đến chiều ngày 5-8, huyện đã tiêu hủy trên 31.000 con heo, với gần 2.100 tấn của trên 856 hộ.
Trước tình hình phức tạp và lây lan nhanh của dịch tả heo châu Phi, huyện đã thực hiện rất nhiều biện pháp để ứng phó nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Do quá tải trong công tác tiêu hủy heo, huyện Cái Bè và các xã trên địa bàn huyện đôi lúc còn lơ là trong công tác chống dịch.
Ngày 29-7, UBND huyện Cái Bè đã ban hành Quyết định về việc thành lập Đoàn kiểm tra, xử lý tình trạng xác heo trôi trên các tuyến sông, kinh, rạch trên địa bàn huyện. Sau đó, Đoàn đã tiến hành kiểm tra 3 đợt, phối hợp với UBND các xã trục vớt, chôn hủy xác heo trôi trên sông, kinh.
Hiện nay, các xã trên địa bàn huyện Cái Bè đã tiến hành vớt các xác heo trên đem chôn lấp. Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Quốc Thanh cũng xin tỉnh cho rút chốt kiểm soát động vật trên cạn đóng tại xã Hậu Mỹ Bắc B để tập trung lực lượng trục vớt xác heo trên sông, kinh.
Lực lượng chức năng tiêu độc khử trùng xe vận chuyển heo vào địa bàn tỉnh. |
Tại huyện Cai Lậy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bằng cho biết, tính đến ngày 5-8, huyện ghi nhận 16/16 xã có heo nhiễm dịch tả heo châu Phi. Huyện đã tiêu hủy trên 12.600 con heo, với khoảng 807,8 tấn của 490 hộ. Trong tuần qua, số lượng heo nhiễm bệnh trên địa bàn huyện ghi nhận ngày càng nhiều. Lực lượng phục vụ công tác chống dịch còn hạn chế.
Huyện kiên quyết xử lý việc vứt heo chết xuống sông, kinh, rạch. Hiện huyện đã kỷ luật Chủ tịch UBND các xã để xảy ra tình trạng heo chết trôi sông.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Văn Hóa cho biết, việc chống lại loại dịch nguy hiểm này chưa biết khi nào mới chấm dứt. Vì vậy, lãnh đạo các huyện, thị, thành cần bám sát cơ sở để chỉ đạo phòng, chống dịch một cách hiệu quả nhất.
NHANH CHÓNG KHOANH VÙNG Ổ DỊCH
Phát biểu tại buổi họp kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai, thực hiện công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi sáng 6-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Chưa có thời điểm nào dịch hoành hành và diễn biến phức tạp như đợt này.
Vì vậy, các địa phương phải khắc phục khó khăn để nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch, hỗ trợ người dân bán nguồn heo chưa nhiễm bệnh. Các địa phương còn để xảy ra tình trạng vứt xác heo chết xuống sông, kinh, rạch thì Chủ tịch UBND huyện, thị, thành đó phải chịu trách nhiệm”.
Ngoài ra, đồng chí Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng: “Chợ Gạo là huyện có số lượng đàn heo lớn. Tuy nhiên, dịch đã xuất hiện trên địa bàn vài xã nhưng số lượng thấp và diễn biến chậm. Chính vì vậy, huyện phải tính toán đến mọi biện pháp để ứng phó nhằm tránh lây lan, bảo vệ đàn heo nhằm phục vụ cho công tác tái đàn sau này”.
Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành chức năng đánh giá lại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời, chốt nào không hiệu quả thì phải di dời hoặc giải tán để tập trung lực lượng cho các chốt hoạt động có hiệu quả.
Các địa phương và ngành chức năng phải tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để sớm giải quyết tiền hỗ trợ cho người chăn nuôi, giảm bớt khó khăn cho người dân. Đặc biệt, người chăn nuôi không được tái đàn trong thời điểm này.
SĨ NGUYÊN