Thứ Sáu, 16/08/2019, 16:49 (GMT+7)
.

"Kịch bản" ứng phó hạn - mặn năm 2020

Hiện nay, nông dân tỉnh Tiền Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lo ngại lũ không về, khiến đồng ruộng ngày càng cằn cỗi; sâu bệnh, chuột bùng phát khắp nơi; hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân. Trước tình hình trên, ngành chức năng của tỉnh đã bắt đầu có kế hoạch ứng phó.

Các ngành chức năng của tỉnh chuẩn bị các “kịch bản” ứng phó hạn - mặn năm 2020, bảo vệ  sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân.
Các ngành chức năng của tỉnh chuẩn bị các “kịch bản” ứng phó hạn - mặn năm 2020, bảo vệ sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân.

GIẢI PHÁP KHI HẠN - MẶN ĐẾN SỚM

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, từ nay cho đến cuối năm 2019, mực nước tại các trạm trên dòng chính sông Mê Kông sẽ lên dần trong các tháng 8 và 9 nhưng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Lượng mưa thấp, cùng với hoạt động tích nước của các hồ chứa thượng nguồn nên dòng chảy trên sông Mê Kông sẽ ở mức thấp. Tổng lượng dòng chảy trong các tháng 8 và 9 qua các trạm trên dòng chính sông Mê Kông thấp hơn TBNN khoảng 30% - 40%.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang Võ Văn Thông cho biết, mực nước cao nhất năm 2019 tại khu vực đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng xuất hiện vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 và ở mức dưới 3,5 m, xấp xỉ và cao hơn năm 2015 (năm 2015 mực nước cao nhất tại Tân Châu đo được 2,55 m). Khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên nước lên chậm từ cuối tháng 8 và ở mức thấp.

Hạ lưu sông Tiền sẽ có các đợt triều cường cao vào cuối tháng 9 và 10, ở mức cao hơn mức báo động 3 từ 0,1 đến 0,2 m. Theo đó, tại Mỹ Thuận, mực nước  đạt 1,9 - 2 m, Mỹ Tho 1,7 - 1,8 m (năm 2015, mực nước cao nhất tại Mỹ Tho đo được 1,74 m). Khu vực nội đồng phía Tây Bắc Tiền Giang (Trạm Hậu Mỹ Bắc), mực nước bắt đầu lên dần vào đầu tháng 10 và kết hợp với kỳ triều cường đầu tháng 10 âm lịch, nên mực nước sẽ lên dần và đạt giá trị mực nước cao nhất năm 2019 từ 1,5 - 1,7 m vào thời kỳ cuối tháng 10.

Do mực nước lũ ở thượng nguồn năm 2019 ở mức thấp nên mùa khô năm 2020 trên các cửa sông (sông Tiền và Vàm Cỏ), mặn có khả năng xuất hiện sớm, độ mặn cao và lấn sâu vào nội đồng nhanh hơn so với trung bình nhiều năm. Tình trạng này có khả năng tương đương năm 2016, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020 ở vùng Ngọt hóa Gò Công và các vườn cây ăn trái ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh. Đặc biệt, hạn hán có thể gây ra tình trạng thiếu nước ngọt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân ở các huyện phía Đông.

Để có giải pháp phòng, chống hạn - mặn hiệu quả, bảo vệ sản xuất trong mùa khô năm 2020, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp cho biết, tỉnh và địa phương sẽ tiến hành rà soát lại diện tích lúa thu đông trễ vụ ở các huyện phía Đông, để khuyến cáo thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, mặn gây ra; xuống giống đúng lịch thời vụ của vùng Ngọt hóa Gò Công để tránh thiếu nước ở cuối vụ (chậm nhất là ngày 15-12-2019).

Ngoài ra, các huyện, thị phía Đông cần ngăn mặn triệt để, sửa chữa kịp thời những cống không đảm bảo ngăn mặn; kiểm soát chặt chẽ những khu úng và có kế hoạch tiêu úng hợp lý khi trữ nước; tập trung giải phóng các chướng ngại vật lòng kinh, khai thông dòng chảy trên các tuyến kinh trục, kinh cấp 1 và kinh cấp 2; thường xuyên tổ chức trục vớt, trục đẩy lục bình, duy trì thông thoáng lòng sông, kinh, rạch trên địa bàn; triển khai ngay công tác nạo vét thủy lợi nội đồng năm 2020 khi kết thúc mùa mưa năm 2019. Bên cạnh đó, các huyện, thị phải chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện nạo vét các tuyến kinh cấp 1, cấp 2, cấp 3 nhằm trữ nước, bơm chuyền cứu lúa, bảo dưỡng, duy tu sửa chữa công trình thủy lợi, phục vụ công tác phòng, chống hạn, đảm bảo sản xuất.

Đối với các huyện, thị phía Tây, các địa phương ở khu vực này phải chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị để đắp các đập ngăn mặn; huy động phương tiện bơm tưới để chủ động bơm trữ nước trong điều kiện độ mặn cho phép; khẩn trương thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi bằng các nguồn vốn xây dựng cơ bản, phòng, chống thiên tai, nguồn hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi phân bổ cho địa phương... của năm 2019 để phục vụ cho công tác phòng, chống hạn -
mặn năm 2020.

QUAN TRỌNG LÀ SINH HOẠT CHO NHÂN DÂN

Nói về giải pháp cấp nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2020 cho nhân dân, đồng chí Nguyễn Thiện Pháp cho rằng, các ngành chức năng và các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân tăng cường trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm, khẩn trương thi công để hoàn thành các công trình cấp nước trong năm 2019, nhằm phục vụ cấp nước cho người dân trong năm 2020 như: Nạo vét ao chứa nước Tham Thu (TX. Gò Công), nạo vét ao chứa nước Vàm Láng (huyện Gò Công Đông), hoàn thiện tuyến ống chuyển tải D315 HDPE dọc đường tỉnh 877B (từ Trạm cấp nước Phú Thạnh đến Trạm cấp nước Phú Đông của huyện Tân Phú Đông), khoan giếng mới thay thế giếng cũ tại Trạm cấp nước Thạnh Phú 1 (huyện Gò Công Tây).

Riêng Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang sớm xây dựng kế hoạch điều tiết nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm đến các trạm đã được đấu nối, đảm bảo việc cấp nước của các trạm trong mùa khô năm 2020; chủ động bơm bổ cấp nguồn nước để duy trì hoạt động, cung cấp ổn định cho khách hàng sử dụng nước từ trạm; nâng cấp, cải tạo hệ thống tuyến ống cấp nước hiện hữu để tiếp nhận, phân phối nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm đến các trạm trên địa bàn các huyện phía Đông cũng như phát triển đến các cụm dân cư trên địa bàn hiện chưa có đường ống nước kéo đến; mở vòi công cộng cho nhân dân ở các khu vực ven biển, ven sông, các hộ thuộc xã vùng sâu chưa có nước từ trạm cấp nước tập trung ở các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và TX. Gò Công.

Về lâu dài, đồng chí Nguyễn Thiện Pháp cho biết, tỉnh và các huyện, thị cần tiếp tục đầu tư hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt nông thôn ở xã Hòa Định và xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo); tuyến chuyển tải cấp nước đường huyện 21 (huyện Chợ Gạo), tuyến ống chuyển tải cấp nước cho khu vực Tân Tây - Tân Đông - Kiểng Phước - Vàm Láng (huyện Gò Công Đông), các tuyến ống giai đoạn 2 thuộc Dự án “Xây dựng mạng lưới đường ống tiếp nhận nước sạch từ hệ thống cấp nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm phân phối cho TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông như: Tuyến ống chuyển tải cấp nước cho Cụm công nghiệp Gia Thuận và Khu công nghiệp Soài Rạp (TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông), tuyến ống chuyển tải cấp nước dọc theo đường tỉnh 872B (huyện Gò Công Tây), tuyến đường huyện 13 (huyện Gò Công Tây)…

Phát biểu trong cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng yêu cầu, Chi cục Thủy lợi theo sát tình hình hạn - mặn để có khuyến cáo cho ngành chức năng, các địa phương và người dân có giải pháp ứng phó; rà soát toàn diện hệ thống thủy lợi để tận dụng việc dẫn nước và trữ nước ngọt cho vùng Ngọt hóa Gò Công. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cần sửa chữa, nâng cấp các ao chứa nước ngọt ở các huyện, thị phía Đông... “Nếu kịch bản khô - hạn, mặn xâm nhập sâu như năm 2016 thì chúng ta không bỡ ngỡ cho biện pháp ứng phó. Bởi, năm 2016, chúng ta đã xây dựng kế hoạch rất cụ thể, đầu tư rất nhiều kinh phí cho công tác này và đã có kinh nghiệm trong ứng phó” - đồng chí Lê Văn Hưởng nói.

SĨ NGUYÊN

.
.
.