Tổng lực ứng phó bão Podul đang lệch Nam
Bão Podul (bão số 4) đang có dấu hiệu lệch Nam, tâm bão có thể đổ bộ Hà Tĩnh - Quảng Bình thay vì Thanh Hóa, ảnh hưởng trên một dải rộng. Vì vậy, chiều nay (28-8), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các tỉnh, thành phố và nhiều bộ, ngành phải chủ động ứng phó với cơn bão này.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, sau khi đi vào biển Đông, đến chiều nay (28-8), bão Podul (cơn bão số 4 trong năm 2019) đã di chuyển rất nhanh và có dấu hiệu mạnh lên.
Phó Thủ tướng Trịnh ĐÌnh Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì và chỉ đạo cuộc họp bàn các giải pháp ứng phó bão số 4 chiều nay (28-8) |
Chiều 28-8, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các bộ, ngành là thành viên của Ban chỉ đạo để triển khai các giải pháp chủ động ứng phó sớm với cơn bão này.
Đến thời điểm 15 giờ 30 chiều 28-8, tại cuộc họp bàn, các chuyên gia của Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia nhận định rằng, tâm bão sẽ đổ bộ vào Trung bộ.
Trong đó, Bắc bộ, Thanh Hóa đến Quảng Bình sẽ có mưa to, các tỉnh miền núi cũng có mưa gió. Tàu thuyền trên biển cần chủ động tránh trú, tìm nơi an toàn neo đậu. Bão ảnh hưởng trực tiếp vào những ngày nghỉ lễ nên người dân cần phải đề phòng, không thể coi thường.
Thời gian bão đổ bộ có thể là vào 2 ngày 30 và 31-8 (tức là sớm hơn so với nhận định ban đầu).
Hiện nay, các mô hình dự báo của các cơ quan dự báo bão tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều chung nhận định, bão số 4 có xu hướng chếch xuống Nam, hướng vào khu vực Bắc Trung bộ. Tâm bão có thể là tỉnh Hà Tĩnh thay vì Thanh Hóa như đã dự báo trước đó.
Ngay sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký công điện số 13 gửi nhiều tỉnh, thành phố và các bộ có liên quan yêu cầu triển khai ứng phó với bão số 4.
Cụ thể, đối với khu vực trên biển, tổ chức rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn di chuyển tránh trú, neo đậu đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Sơ đồ vị trí và dự báo hướng bão số 4 đổ bộ cập nhật vào lúc 15 giờ 30 chiều nay (28-8) |
Căn cứ diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương, lực lượng chức năng chủ động cấm biển và thông báo cho phép hoạt động trở lại đối với tàu thuyền và các phương tiện hoạt động trên biển theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch và cơ sở hạ tầng trên các đảo.
Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị: Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân để chủ động phòng, tránh.
Rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho hành khách tại các khu du lịch, ngư dân tại các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Tập trung huy động phương tiện lực lượng, đặc biệt là lực lượng xung kích và vũ trang đóng quân trên địa bàn, giúp dân khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Chủ động phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, điện lưới, thông tin liên lạc; thực hiện dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết để ứng phó với mưa lũ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu khi có tình huống.
Kiểm tra các công trình đầu mối hệ thống, hệ thống kênh, mương thủy lợi, sẵn sàng vận hành tiêu thoát nước bảo vệ sản xuất và phòng chống ngập úng cho khu vực đô thị.
Tại khu vực trung du và miền núi: Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, phát hiện kịp thời các nhà ở mất an toàn, các điểm tắc nghẽn dòng chảy để thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương tổ chức xử lý hoặc sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Kiểm tra công tác vận hành, phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa, nhất là các thủy điện nhỏ, hồ đập xung yếu hoặc đang thi công. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó kịp thời khi tình huống xảy ra. Sẵn sàng phương án đảm bảo giao thông, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, kể cả mưa lũ thượng nguồn ngoài biên giới có thể gây ảnh hưởng diễn biến lũ các sông, suối trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão, thường xuyên cung cấp các thông tin về diễn biến của bão đến các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, người dân phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và chủ động ứng phó.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu vận tải, hàng hải lai theo quy định; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện tại các trọng điểm xung yếu để khắc phục kịp thời các sự cố đảm bảo giao thông thông suốt khi có tình huống xảy ra.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và tàu thuyền đánh bắt hải sản…
Bộ Công thương chỉ đạo vận hành xả lũ, bảo đảm an toàn các công trình thủy điện và hạ du; an toàn hệ thống điện lưới và hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.
Bộ Xây dựng chỉ đạo bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, các công trình cao tầng, công trình cột tháp cao…
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đảm bảo thông tin liên lạc tại các khu vực nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão.
(Theo sggp.org.vn)
.