Lan tỏa từ tín dụng chính sách xã hội
Chương trình tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đã từng bước phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vươn lên phát triển kinh tế gia đình, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
ĐIỂM NHẤN TỪ CHỈ THỊ 40
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng CSXH (gọi tắt là Chỉ thị 40), Ngân hàng CSXH Việt Nam Chi nhánh Tiền Giang và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã triển khai thực hiện các chương trình tín dụng CSXH hiệu quả, đúng quy định. Nguồn vốn tín dụng CSXH đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định đời sống người dân.
Tín dụng CSXH giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. |
Trước đây, anh Lưu Văn Mãi (ngụ ấp Thạnh Lạc, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây) và gia đình sống chủ yếu bằng nghề nông còn nhiều khó khăn, hằng ngày phải đi làm thuê ở cơ sở hàn tiện gần nhà. Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, anh đã tiếp cận và được vay vốn 50 triệu đồng trong thời hạn 5 năm theo chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Gò Công Tây. Có được “cần câu”, anh Mãi bắt tay vào việc mua sắm thiết bị để mở cơ sở hàn tiện tại gia đình.
Sáng 23-9, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 tổ chức Hội nghị trực tuyến “Vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững”. Theo Ngân hàng CSXH Việt Nam, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40, tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả tích cực trên phạm vi toàn quốc. Chỉ thị 40 đã tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng CSXH, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng thêm 10.709 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40, đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến hết tháng 8-2019 đạt hơn 14.500 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng (tương đương 43,59%) so với thời điểm cuối tháng 12-2015. Ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ và cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng đạt hơn 35.000 tỷ đồng, chiếm 16,8% tổng nguồn vốn… Đến hết tháng 8-2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng hơn 57.000 tỷ đồng (tương đương 40,2%) so với cuối tháng 12-2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 9,7%, với gần 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ. Vốn tín dụng CSXH được đầu tư cho phát triển sản xuất, sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo, các đối tượng chính sách, tập trung vào 9 chương trình tín dụng lớn, chiếm gần 98% tổng dư nợ. |
Anh nhận lắp đặt các công trình nhà tiền chế, gia công dụng cụ, vật dụng theo yêu cầu của khách hàng. Nhờ chăm chỉ làm việc, hiện cơ sở hàn tiện của anh Mãi đã có 2 máy hàn, 2 máy cắt, 1 máy gặt đập liên hợp và anh thuê thêm 2 thợ phụ để làm. Nhờ đó, anh Mãi đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình, có cuộc sống ổn định.
Có thể nói, nguồn vốn tín dụng CSXH đã lan tỏa đến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, “chảy” đến đâu dòng vốn này cũng từng bước phát huy hiệu quả. Theo UBND xã Tân Lý Đông (huyện Châu Thành), Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Chi nhánh huyện cho vay bằng hình thức ủy thác thông qua các hội, đoàn thể đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Từ đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, xã có 190 hộ thoát nghèo.
Còn theo UBND huyện Tân Phước, giai đoạn 2014 - 2019, cùng với nguồn vốn Trung ương và ngân sách cấp tỉnh, huyện, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Chi nhánh huyện đã giải ngân cho hơn 18.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách vay vốn.
Qua đó, giúp hơn 7.400 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó có hơn 1.900 hộ thoát nghèo. Đồng thời, nguồn vốn tín dụng CSXH còn giúp hơn 1.600 lao động có việc làm và thu nhập ổn định; gần 1.400 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; xây dựng, sửa chữa nâng cấp hơn 8.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn… trên địa bàn huyện.
Chương trình tín dụng CSXH ngày càng lan tỏa giúp nhiều hộ dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế. |
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa, tính đến hết tháng 6-2019, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng, tăng 2 chương trình so với trước khi có Chỉ thị 40, với tổng dư nợ trên 2.400 tỷ đồng, hơn 110 ngàn hộ nghèo, các đối tượng chính sách còn dư nợ. Tăng trưởng tín dụng 5 năm đạt 813,9 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 8,53%; tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,65% (cuối năm 2014) xuống 0,18% (hết tháng 6-2019).
Đặc biệt, qua 5 năm, có trên 200 ngàn lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, góp phần giúp cho hơn 36 ngàn hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,98% (cuối năm 2014) xuống 3,41% (cuối năm 2018) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020; giúp hơn 16.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; trên 27.000 lao động được hỗ trợ việc làm… Nguồn vốn tín dụng CSXH còn góp phần hoàn thành một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
ĐỂ VỐN TÍN DỤNG CSXH LAN TỎA
Thực tế cho thấy, dù dòng vốn tín dụng CSXH đã lan tỏa đến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhưng vẫn còn những “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ. Theo đó, một số địa phương cấp huyện còn chậm trong việc triển khai Chỉ thị 40; việc bố trí cân đối ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn hạn chế. Ngoài ra, việc phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng CSXH đối với các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm chưa được quan tâm thực hiện đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.
Để khai thông nguồn vốn tín dụng CSXH, đồng chí Lê Văn Nghĩa yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành có liên quan, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Tiền Giang tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị 40 và Thông tri 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Đồng thời, cân đối nguồn ngân sách nhà nước tỉnh, huyện ủy thác sang hệ thống chi nhánh Ngân hàng CSXH để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng CSXH và đảm bảo hoạt động ổn định, bền vững của chi nhánh Ngân hàng CSXH; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH ngoài nguồn ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH Việt Nam Chi nhánh Tiền Giang chủ động phối hợp thực hiện công tác điều tra, xác định đối tượng vay vốn; hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững…
Để phát huy hiệu quả tín dụng CSXH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng CSXH. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện tín dụng CSXH. Song song đó, cần tập trung huy động nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện tốt hơn nữa, có hiệu quả tín dụng CSXH từ nay đến năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
M. THÀNH